"Báo động" số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngày càng giảm

- Thứ Năm, 03/11/2022, 07:15 - Chia sẻ

Từ năm 2017 đến nay, số ứng viên đăng ký xét tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư giảm rõ rệt theo từng năm. Năm 2022, chỉ có 383 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, nguyên nhân vì sao?

Theo số liệu thống kê, số ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) từ năm 2015 đến nay như sau:

Năm 2015, có 52 ứng viên đạt chức danh GS và 470 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

Năm 2016, có 64 ứng viên đạt chức danh GS, 638 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

Năm 2017, tổng số người đạt tiêu chuẩn GS, PGS là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước. Trong đó, có 85 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, 1.141 ứng viên đạt tiêu chuẩn PGS.

Tuy nhiên, trước nhiều thông tin phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS tăng đột biến năm 2017 cùng nhiều lo ngại về chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (CDGSNN) nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định.

Đến năm 2018, Hội đồng CDGSNN đã quyết định triển khai đợt xét tuyển đầu tiên theo Quyết định 37/2018/QĐ - TTg vào đầu năm 2019. Như vậy, năm 2018 không xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2018.

Năm 2019, có 73 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 349 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

Năm 2020, số lượng ứng viên đăng ký xét giáo sư, phó giáo sư cũng giảm mạnh. Số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là 339 ứng viên, trong đó 39 ứng viên GS, 300 ứng viên PGS.

Năm 2021, số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là 405 ứng viên, trong đó 42 ứng viên GS, 363 ứng viên PGS.

Năm 2022, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã biểu quyết thông qua các ứng viên được đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm và tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là: 383 ứng viên, trong đó 34 ứng viên GS, 349 ứng viên GS.

Như vậy, có thể khẳng định rằng từ năm 2017 đến nay, số ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư giảm rõ rệt trong từng năm.

Trước tình trạng trên, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Văn Chứ, Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành Nông – Lâm nghiệp, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp về vấn đề này.

GS.TS Trần Văn Chứ

Phản biện xã hội được nâng cao

- Số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh theo các năm gần đây, theo ông lý do vì sao?

Từ 2019, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS được thực hiện theo Quyết định 37/2018 của Thủ tướng với những tiêu chuẩn cao hơn trước đó. Các ứng viên PGS phải có 3 bài báo khoa học, ứng viên GS phải có 5 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus, thay vì chỉ quy định chung là bài báo hay đề tài nghiên cứu khoa học như trước. 

Đề tài khoa học không được tính điểm mà chỉ là điều kiện cần. Việc các ứng viên đăng được một bài báo quốc tế theo quy trình rất nghiêm ngặt và phải nói là rất khó, đòi hỏi ứng viên phải có trình độ ngoại ngữ tốt và có các công trình nghiên cứu có chất lượng. Vì vậy, Quyết định 37/2018 của Thủ tướng thực chất đã nâng chuẩn.

Theo tôi, lý do có 2 cơ bản các ứng viên đăng kí giảm đi như sau:

Thứ nhất, phản biện xã hội rất cao và hữu ích cho quá trình xét duyệt. Bởi vì trong quá trình xét duyệt, có rất nhiều phản biện xã hội về chất lượng ứng viên. 

Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT và Thường trực các Hội đồng GS ngành, liên ngành kiểm tra, rà soát minh chứng của toàn bộ hồ sơ ứng viên. Điều này làm cho các ứng viên “mấp mé” không dám đăng kí.

Mặt khác trước đây rất nhiều ứng viên là cán bộ quản lý (không phải giảng viên hoặc nghiên cứu viên) vẫn đăng kí và dư luận xã hội có ý kiến nên họ không đăng kí nữa. Đây cũng là một trong những lý do khiến số lượng ứng viên đạt chuẩn GS, PGS giảm đi.

Thứ hai, theo đánh giá của một số chuyên gia, ngoài các quy định về tiêu chuẩn GS, PGS được nâng lên so với trước, thì quy trình công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng được thực hiện chặt chẽ, minh bạch hơn từ Hội đồng Giáo sư cơ sở, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành cho đến Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Trong đó, trách nhiệm của Hội đồng Giáo sư các cấp đều được quy định cụ thể.

Đây cũng là một lý do khiến số hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị loại ở Hội đồng Giáo sư liên ngành, Hội đồng Giáo sư nhà nước giảm mạnh trong 5 năm qua.

Đến nay, việc các ứng viên GS, PGS "trượt" ở vòng Hội đồng Giáo sư liên ngành, Hội đồng Giáo sư nhà nước trở nên bình thường.

Lễ trao bằng tiến sĩ tại trường ĐH Kinh tế quốc dân

Siết chặt đầu ra tiến sĩ

- Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về đào tạo tiến sĩ có phải là rào cản khiến các trường khó tuyển được học viên và đây cũng là nguyên nhân khiến ứng viên tham gia xét giáo sư, phó giáo sư ngày càng giảm đi?

Quy định mới không hề là rào cản khiến các trường khó tuyển nghiên cứu sinh mà Quy định mới có phần cởi mở và thông thoáng hơn, mở đường cho các NCS.

Theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/8/2021 và thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017, theo đó, yêu cầu chung đối với người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ như sau:

- Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ngành phù hợp, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành đào tạo tiến sĩ. 

- Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT tạo ban hành và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển.

- Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; Hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; Hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ.

- Có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa.

Theo tôi 18/2021/TT-BGDĐT có phần nào cởi mở và dễ thở hơn Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 ở chỗ đã bỏ đi người dự tuyển cần có Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

- Vậy nguyên nhân chính khiến số lượng nghiên cứu sinh ngày càng giảm đi so với các năm trước là gì thưa ông?

Theo tôi, có 4 nguyên nhân:

Thứ nhất, mặc dù quy chế đào tạo tiến sĩ dễ thở khi xét tuyển đầu vào nhưng đầu ra bị siết chặt hơn nên khó khăn cho việc hoàn thành.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT đưa ra đề án 89 mở ra cơ hội cho các NCS đi học tập ở nước ngoài dễ hơn. Trong khi đó đa số các NCS đều từ các trường, viện. Họ có đầy đủ các điều kiện để học NCS ở nước ngoài.

Thứ ba, Phản biện xã hội cũng cao hơn. Gần đây có nhiều luận án tiến sỹ bị nhắc tên, như: Luận án tiến sỹ về cầu lông,.. Chính vì thế các cơ sở đào tạo cũng nghiêm túc hơn trong chuẩn chất lượng các luận án. Đây là một nguyên nhân khiến rất nhiều ứng viên không phải giảng viên, nghiên cứu viên không tham gia học NCS.

Thứ tư, Tâm lý về chuộng bằng cấp khi xã hội càng phát triển thì càng nhẹ đi. Đây cũng là một nguyên nhân suy giảm số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư hiện nay.

Nên sửa đổi Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ

- Với tình trạng hiện nay, theo ông giải pháp nào để vừa thực hiện được việc nâng chuẩn chất lượng tiến sĩ lại vừa tăng số lượng học viên tiến sĩ để làm nguồn cho phát triển đội ngũ giáo sư, phó giáo sư hiện nay?

Theo tôi có một số giải pháp căn cơ, cụ thể: Hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong đào tạo sau đại học trên tinh thần thực hiện tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo theo Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. 

Tập trung vào những nội dung như kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; tăng cường kiểm định các chương trình đào tạo sau đại học; định kỳ rà soát, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu.

Tăng cường công khai, minh bạch danh mục đề tài luận văn, luận án, người thực hiện và người hướng dẫn, nội dung các luận văn, luận án trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của nghiên cứu sinh, của người hướng dẫn, của các nhà khoa học là phản biện độc lập, là thành viên các hội đồng. Đề cao liêm chính khoa học, tránh nể nang, dễ dãi trong việc hướng dẫn, đánh giá và phản biện luận văn, luận án.

Đồng thời, sửa đổi Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần tự chủ của các cơ sở GDĐH, đồng thời có những điểm sửa đổi kỹ thuật để phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ, tiệm cận với quốc tế.

Sửa đổi Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ theo hướng đặt ra yêu cầu cao đối với người học và cán bộ hướng dẫn, đồng thời có chế độ, chính sách khuyến khích cán bộ, nghiên cứu sinh tích cực tham gia nghiên cứu khoa học; tăng quy mô và chất lượng nghiên cứu sinh. Gắn các đề tài của NCS với các đề tài, dự án, chương trình khoa học của giảng viên hướng dẫn.

Những giải pháp then chốt nữa là tăng cường xây dựng, đầu tư nhóm nghiên cứu, đầu tư dài hơi cho các nhóm nghiên cứu mạnh. Nghiên cứu sinh cần làm việc toàn thời gian, tăng cường học bổng và tham gia nhóm nghiên cứu.

Các trường đại học phải thu hút được nhà khoa học đầu ngành và nhân tài, đồng thời hội nhập với quốc tế, thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 với chìa khóa “smart”, “innovation”,…

Ngoài ra, triển khai hợp tác quốc tế để thúc đẩy đào tạo tiến sĩ như hợp tác đào tạo với đại học nước ngoài, triển khai chương trình Postdoc dành cho tiến sĩ, đẩy nhanh thời gian thực hiện các thủ tục,…

Trân trọng cám ơn ông!

Chỉ có 0,89% giảng viên có chức danh Giáo sư đang tham gia giảng dạy

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học (GDĐH), tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước tính đến 31/12/2021 là hơn 85.000 người.

Trong đó, số giảng viên có chức danh Giáo sư đang tham gia giảng dạy chiếm tỷ lệ 0,89%.

Số giảng viên có chức danh Phó giáo sư là 6,21%.

Số giảng viên có học vị tiến sĩ là 25,19% 

Số giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ đông đảo nhất với 60,35% và giảng viên trình độ đại học là 7,36%.
​​​​​​

Hồng Hạnh (thực hiện)
#