Chính phủ tăng tốc bứt phá
Chính phủ xác định chủ đề của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá". Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể là phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh như các thành phố lớn, địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.
Để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, Chính phủ xác định nhiệm vụ, giải pháp là tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, bảo đảm không quá 3.000 dự án. Kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai đúng tiến độ, loại bỏ các dự án không cần thiết. Thúc đẩy hợp tác công - tư; xây dựng tiêu chí và cơ chế hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy du lịch quốc tế và quốc nội, phấn đấu năm 2025 thu hút 120 - 130 triệu lượt khách trong nước và 20 triệu khách quốc tế. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu; tận dụng tối đa 17 FTA đã ký; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới, nhất là thị trường Halal, Mỹ Latin, châu Phi.
Để khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, cần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xây dựng và vận hành hiệu quả Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. Có cơ chế đủ mạnh để thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao…
Địa phương quyết tâm tăng trưởng cao nhất
Đáp lại quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng hai con số để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cả nước.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố xác định 2025 là năm tăng tốc để về đích cũng như chuẩn bị kế hoạch và triển khai các điều kiện cần thiết để bước vào nhiệm kỳ mới cũng với mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm thành phố đưa ra là nghiêm túc thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy, gắn với tái cơ cấu chức năng nhiệm vụ, tái cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức và chuyển đổi số mạnh mẽ, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao kỷ cương hành chính, tập trung tháo gỡ các dự án, công trình tồn đọng, bao gồm cả công và tư, để huy động ít nhất 620.000 tỷ đồng để bảo đảm tăng trưởng trên 10%. Khẩn trương triển khai quy hoạch thành phố, các dự án trọng điểm gắn với triển khai trung tâm tài chính quốc tế, gồm Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, vành đai 4 và đường sắt đô thị. Các công trình trọng điểm như nhà ga T3, vành đai 3 sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025. Thành phố cũng khẩn trương hoàn thiện và đưa vào khai thác Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo.
Năm 2024, TP. Hà Nội tăng trưởng 6,52%, quy mô GRDP đạt gần 59 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.500USD. Thu ngân sách đạt 509,3 nghìn tỷ đồng - lần đầu tiên vượt 500 nghìn tỷ đồng - tăng gần 23,8% so với 2023; trong đó thu nội địa chiếm gần 94%. Vốn FDI đạt trên 2 tỷ USD. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 29.000, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt trên 400.000. Bước sang năm 2025, Hà Nội đã xác định 325 nhiệm vụ và kế hoạch. “Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô sẽ tập trung quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu phát triển cao nhất, với tinh thần Hà Nội sẵn sàng tâm thế, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
TP. Huế cũng quyết tâm tăng trưởng 10% và đã đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể, Bí thư Thành ủy TP. Huế Lê Trường Lưu cho biết. TP. Huế kiến nghị Chính phủ tăng hạn mức sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp để sớm chuẩn bị đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng; tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư bất động sản, dự án ngoài ngân sách để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí.
Tương tự, Hải Dương hướng tới tăng trưởng trên 12% trong năm nay. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, cho biết, trước mắt tỉnh sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài. Đồng thời, lãnh đạo khắc phục triệt để các dự án chậm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa các dự án, công trình vào hoạt động, không để tiếp tục xảy ra lãng phí. Tỉnh cũng đã chủ động xây dựng và ban hành kịch bản điều hành tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, kịch bản giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng, từng quý, từng công trình, từng dự án, bảo đảm cả năm vượt các chỉ tiêu đề ra và triển khai ngay trong toàn tỉnh. Đây là cơ sở để theo dõi, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, nhất là người đứng đầu.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Trà Vinh, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Thuận cho biết đã xây dựng kịch bản tăng trưởng hai con con số. Trong đó, Trà Vinh hướng tới 10,14%; Ninh Thuận đặt mục tiêu 13 - 14%; Nghệ An tăng trưởng không dưới 10%...
Từ kế hoạch cụ thể của Chính phủ và các địa phương có thể thấy quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số đang lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước. Nếu các giải pháp đã nêu ra được triển khai hiệu quả, tăng trưởng năm 2025 chắc chắn sẽ ấn tượng, qua đó, củng cố nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.