Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Học viện Tài chính PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng cho biết, thời điểm đầu năm 2024 từng không có nhiều dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam khi GDP chỉ tăng 5,66% trong quý I.2024, còn CPI vào tháng 32024 đã tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều thách thức từ các các cuộc xung đột địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông, xu hướng gia tăng giá cước vận tải, và đặc biệt là sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường thế giới gây áp lực lớn đến tỷ giá, lãi suất và lạm phát tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, kể từ quý II.2024 bức tranh kinh tế dần sáng hơn. Sự phục hồi ấn tượng của xuất khẩu và sản suất công nghiệp đã giúp tăng trưởng GDP các quý sau có xu hướng cao hơn so với quý trước. Trong khi đó, lạm phát so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh ở mức 4,45% vào tháng 5/2024.
PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng cho rằng, kết quả cuối năm 2024 Việt Nam đạt được mục tiêu kép với tăng trưởng GDP đạt mức 7,09% (vượt mục tiêu 6 – 6,5%), còn CPI trung bình chỉ tăng 3,63% so với năm trước, thấp hơn rất nhiều mức mục tiêu được Quốc hội thông qua là 4 - 4,5%. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.
“Các kết quả này đạt được một phần là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị với những chính sách nổi bật như miễn, giảm, gia hạn thuế, hay giãn nợ, giảm lãi suất, thúc đẩy tín dụng... đã hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế thế giới cũng trở nên thuận lợi cho xuất khẩu với GDP toàn cầu ước tính tăng trưởng 3,2% trong năm 2024, mặt bằng lãi suất giảm nhờ các Ngân hàng Trung ương lớn nới lỏng tiền tệ, còn giá dầu tương đối ổn định...,” PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng phân tích.
Những kết quả đạt được về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát cho thấy các chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá của Chính phủ đang được điều hành đúng hướng và hiệu quả.
Dẫn chứng từ dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong năm 2025, nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 3,2%, trong Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo giá các hàng hóa đầu vào sẽ giảm nhẹ, PGS. TS. Nguyễn Đào Tùng khẳng định, đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5 – 7% trong năm 2025.
“Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do tình trạng lãi suất cao kéo dài vẫn chưa thể loại bỏ. Ngoài ra, khả năng đồng USD tăng giá do tăng trưởng yếu tại EU, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn hiện hữu. Đây là những rủi ro không nhỏ đối với việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới", ông Nguyễn Đào Tùng đặt vấn đề.
Như vậy, mục tiêu để có thể nhận biết được bức tranh toàn cảnh và sâu sắc về thị trường, giá cả tại Việt Nam, Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích rõ hơn diễn biến, những nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường giá cả trong năm 2024 - 2025 và đề xuất các giải pháp.
Bên cạnh các yếu tố cơ bản như tăng trưởng GDP, cung tiền, lãi suất, tỷ giá, giá hàng hóa đầu vào..., Ban tổ chức mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học phân tích sâu hơn những tác động từ chính sách năng lượng, chính sách thương mại của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, cũng như tác động của thương mại điện tử đến thị trường, giá cả tại Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, chủ trì và khách mời tại Hội thảo đã lắng nghe nhiều tham luận tâm huyết, thẳng thắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về những vấn đề liên quan đến thị trường, giá cả thời gian qua, cũng như những cơ hội và thách thức, dự báo cho thị trường, giá cả thời gian tới theo hai phiên: Phiên tập trung phân tích, thảo luận về diễn biến chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025 và Phiên tập trung phân tích, thảo luận về các thị trường cụ thể như thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường vàng, thị trường bất động sản, các thị trường hàng hóa cơ bản...
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Tài chính PGS. TS. Nguyễn Đào Tùng đánh giá cao các bài tham luận và các ý kiến đóng góp. Đây đều là những căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc để dự báo và đề xuất giải pháp góp phần giúp Chính phủ và các cơ quan chuyên môn kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và nhưng năm tới.