Chiều 23.12, trong khuôn khổ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 (đợt 1), Sở Công Thương Hà Nội phối hợp tổ chức hội thảo “Tiềm năng, xu hướng ứng dụng IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Linh cho biết, trong thời đại kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vận (IoT) đã trở thành hai công nghệ chủ lực trong việc định hình tương lai của nền kinh tế và xã hội. Đây là những công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, làm tác nhân chính của cuộc cách mạng chuyển đổi số.
AI và IoT nổi bật ở khả năng tạo ra giá trị từ dữ liệu, khi kết hợp, không chỉ tăng cường khả năng tự động hóa mà còn thúc đẩy các sáng tạo mới, tăng hiệu suất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.
Là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng các công nghệ mới tại Việt Nam, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn diện, tập trung vào phát triển hạ tầng số, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hà Nội cũng là một trong những địa phương tiềm năng với nhiều lợi thế, dám đổi mới quyết liệt, vươn mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng và phát triển AI, IoT nhằm xây dựng hạ tầng số hiện đại.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, tuy nhiên vẫn còn có khoảng cách khá lớn so với các doanh nghiệp FDI.
Theo TS. Chứ Đức Hoàng, Qũy Đổi mới công nghệ Quốc gia, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển và hội nhập. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp chủ chốt còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử chỉ đạt 5 - 10%, so với 65 - 70% ở Thái Lan và Malaysia.
Toàn ngành có khoảng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc và Đông Nam Bộ. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 còn rất hạn chế, chỉ chiếm dưới 15%, phần lớn vẫn đang sử dụng công nghệ 2.0 và 3.0.
Trong bối cảnh đó, để năng cao năng lực đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thế giới, theo các chuyên gia, doanh nghiệp càng phải tăng cường áp dụng những giải pháp linh hoạt trong quản lý sản xuất, quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sáng kiến, đổi mới mô hình kinh doanh. Công nghệ IoT và AI đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, giúp tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, doanh nghiệp ngành công nghiệp cùng chia sẻ, thảo luận về tình hình phát triển công nghiệp trong nước và quốc tế; tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ IoT/AI từ các tổ chức trong và ngoài nước, rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ với các nước tiên tiến, hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch.
TS. Chử Đức Hoàng đề xuất, chính sách phát triển dữ liệu đổi mới công nghệ sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững. Quá trình xây dựng dữ liệu đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp cần được triển khai một cách có hệ thống và tuần tự thông qua 4 bước cơ bản.
Cụ thể, bước đầu từ việc đánh giá toàn diện hiện trạng và nhu cầu dữ liệu, giúp doanh nghiệp xác định rõ điểm xuất phát và mục tiêu cần đạt được. Tiếp đến là bước thiết lập hệ thống thu thập và lưu trữ với các quy trình chuẩn hóa, tạo nền tảng vững chắc cho việc quản lý dữ liệu. Bước thứ ba là tập trung vào phân tích và khai thác dữ liệu, chuyển hóa thông tin thành tri thức hữu ích phục vụ ra quyết định. Cuối cùng, bước tối ưu hóa và phát triển liên tục bảo đảm hệ thống dữ liệu luôn được cập nhật, mở rộng và tích hợp với xu hướng công nghệ mới.
Hệ thống dữ liệu đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa đáng kể chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho quá trình ra quyết định. Dựa trên dữ liệu từ các doanh nghiệp đã triển khai, có thể tiết kiệm 20 - 25% chi phí đầu tư công nghệ, giảm 30 - 40% thời gian đánh giá và lựa chọn công nghệ, đồng thời nâng cao 35 - 40% độ chính xác trong dự báo xu hướng công nghệ. Đặc biệt, tỷ lệ thành công trong các dự án đổi mới công nghệ tăng lên đáng kể, từ 45% lên tới 70 - 75% sau khi áp dụng hệ thống.