Nhiều chuyên đề giám sát thiết thực
Một nội dung nổi bật trong hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương năm 2022 là tổ chức nhiều chuyên đề giám sát thiết thực. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề kế hoạch đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức 2 đợt giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do HĐND, đại biểu HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh và ĐBQH ở địa phương chuyển đến. Qua giám sát, Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị trong tiếp nhận và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và có đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp thứ 6. Qua giám sát cho thấy: việc giải quyết các kiến nghị của cử tri tiếp tục được UBND tỉnh và các ngành quan tâm thực hiện; hầu hết kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh và các ngành trả lời đầy đủ, rõ ràng, xác định thời gian, tiến độ thực hiện. Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan tăng cường hơn nữa trong thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri, đặc biệt là giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Bên cạnh tổ chức nhiều chuyên đề giám sát thiết thực, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc, đối thoại với trẻ em tỉnh Bình Dương năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trong trạng thái bình thường mới”. Qua một buổi tiếp xúc, đối thoại, các đại biểu đã được nghe 28 lượt ý kiến của các em thiếu nhi bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình; đồng thời, kiến nghị giải quyết một số vấn đề để chăm lo, bảo vệ và tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện. Đây là những ý kiến rất chính đáng và thiết thực được Thường trực HĐND tỉnh cũng như các sở, ngành ghi nhận, tiếp thu và sẽ xem xét, giải quyết có hiệu quả.
Thường trực HĐND tỉnh cũng đã phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương thực hiện Chương trình “Đối thoại với cử tri” với chủ đề: “Thiết chế văn hóa: góc nhìn từ thực tiễn”.
Thể hiện rõ chính kiến qua thẩm tra
Phát huy vai trò “công xưởng” trong các hoạt động của HĐND, các Ban HĐND tỉnh Bình Dương đã nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là thể hiện rõ chính kiến trong thẩm tra, giúp HĐND tỉnh có thêm thông tin, căn cứ quan trọng ban hành những quyết sách thiết thực, khả thi.
Điển hình, thẩm tra các nội dung trình kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh Khóa X, các Ban HĐND tỉnh Bình Dương đã có nhiều đề nghị thiết thực. Cụ thể, thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân dẫn đến 2 chỉ tiêu chưa đạt về xuất, nhập khẩu để xây dựng chỉ tiêu năm 2023 bảo đảm phù hợp, khả thi; giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 còn khá thấp; công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính của người sử dụng đất. Tình hình khiếu nại liên quan đến các dự án bất động sản có nhiều diễn biến phức tạp; cần phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá xăng dầu liên tục tăng và có giải pháp khắc phục; tình hình ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cục bộ vẫn còn xảy ra. Công tác xác định giá đất cụ thể để thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất và tính bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện trong thời gian qua còn khá chậm…
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết về phê duyệt tổng biên chế công chức, số lượng người làm việc và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan của HĐND, UBND tỉnh, các huyện, thị, thành phố, đơn vị sự nghiệp công lập và Hội có tính chất đặc thù tỉnh Bình Dương năm 2023, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị, sau khi HĐND tỉnh quyết định số lượng hợp đồng lao động, UBND tỉnh giao cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát nhu cầu hợp đồng lao động của các đơn vị bảo đảm phù hợp thực tế và tương xứng với nhu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, có kế hoạch điều chỉnh mức khoán chi thường xuyên để tạo cơ sở tăng tính tự chủ cho các cơ quan, đơn vị.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bình Dương nhận thấy, mức học phí được đề xuất tăng cao hơn so với năm học 2021 - 2022, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì thế, ngân sách tỉnh sẽ thực hiện cấp bù phần chênh lệch giữa mức thu học phí theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP so với mức học phí thực tế học sinh phải đóng theo mức học phí của năm học 2021 - 2022. Qua đó, góp phần giảm bớt gánh nặng cho người dân do ảnh hưởng của việc tăng học phí.