Đáp ứng nhu cầu chính đáng của công dân
Quyền tự do xuất, nhập cảnh của công dân có liên đới trực tiếp đến nguyên tắc xuất, nhập cảnh. Khẳng định điều này, nhiều ĐBQH cho rằng, đây là nguyên tắc chi phối toàn bộ các điều luật. Cụ thể, ngay trong Khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật quy định: nguyên tắc xuất, nhập cảnh là tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Theo ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La), quy định này chưa đầy đủ, vì ngoài các điều ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập, ký kết, còn có các thỏa thuận quốc tế theo quy định của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế (hiện nay, chúng ta cũng đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2020, nâng Pháp lệnh lên thành Luật Thỏa thuận quốc tế). Chiếu theo đó, ĐB Đinh Công Sỹ nêu rõ, các thoả thuận quốc tế được ký nhân danh QH, cơ quan của QH, các cơ quan giúp việc của QH, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng như một số cơ quan khác cũng phát sinh nghĩa vụ theo nội dung thoả thuận. Ví dụ: Thỏa thuận song phương về việc qua lại khu vực biên giới; Thỏa thuận song phương về việc công nhận trở lại công dân Việt Nam với các nước. Ước tính, chúng ta có 18 loại thỏa thuận như thế, vì vậy, cần thiết bổ sung vào Khoản 1, Điều 3 là “tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên hoặc các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết”.
![]() | |
Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Sơn La) phát biểu tại hội trường | Ảnh: Quang Khánh |
Một nguyên tắc nữa cũng được các ĐBQH đề nghị bổ sung đó là nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời. Nguyên tắc này xuất phát từ yêu cầu trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về giải quyết các thủ tục hành chính nói chung, nhất là các thủ tục có liên quan tới việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân đều đặt ra yêu cầu kịp thời. ĐB Đinh Công Sỹ nhận thấy, trong dự thảo luật nhiều điều, khoản quy định điều chỉnh các mối quan hệ giữa công dân và cơ quan nhà nước có liên quan tới trình tự, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; mà hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thì “nhanh chóng, kịp thời” là nhu cầu chính đáng của công dân, là một trong những tiêu chí để định lượng, đánh giá hiệu quả vận hành của nền hành chính nhà nước, ĐB Đinh Công Sỹ nói.
Lo ngại phát sinh kinh phí, bộ máy
Một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo luật là trung tâm chữ ký số thuộc sự quản lý của Bộ Công an hay Ban Cơ yếu Chính phủ? Theo các ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh), Bùi Mậu Quân (Hải Dương), việc đặt trung tâm chữ ký số ở Bộ Công an mà trực tiếp là Cục quản lý xuất, nhập cảnh sẽ phù hợp với quy định của cơ quan hàng không quốc tế. Cục quản lý, xuất nhập cảnh là cơ quan phát hành hộ chiếu, nên trung tâm chữ ký số ở đây sẽ không làm phát sinh kinh phí, phương tiện và đường truyền. Hơn nữa, Cục quản lý xuất, nhập cảnh cũng thường xuyên phát hành chữ ký số, bảo đảm thường trực 24/24 giờ, nên có thể quản lý tốt hơn vấn đề liên quan đến nghiệp vụ của lực lượng an ninh như quản lý các đối tượng bị cấm xuất, nhập cảnh, các trường hợp bệnh nhân bị cấp cứu phải cấp hộ chiếu ngay trong đêm…
ĐB Nguyễn Minh Đức bổ sung, nếu trung tâm chữ ký số thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ phát sinh bộ máy, kinh phí đầu tư các thiết bị bảo mật và lắp đặt đường cáp quang kết nối từ trụ sở của Ban Cơ yếu Chính phủ tới trụ sở cơ quan cấp hộ chiếu gắn chip điện tử. Trong khi cơ quan gắn chíp điện tử, hộ chiếu điện tử lại thuộc về Cục quản lý xuất, nhập cảnh. Vì vậy, ĐB Nguyễn Minh Đức đề xuất, Điều 49, dự thảo luật nên sửa đổi theo hướng, “Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an thiết kế xây dựng một trung tâm phát hành và chứng thực chữ ký số phục vụ việc cấp và kiểm soát hộ chiếu gắn chíp điện tử; Hướng dẫn việc quản lý, vận hành, khai thác trung tâm phát hành chứng thực chữ ký số phục vụ việc cấp kiểm soát hộ chiếu điện tử”.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra dự án luật, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) chia sẻ, Điều 49, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Chữ ký số không chỉ dùng cho việc cấp hộ chiếu điện tử, còn dùng cho nhiều việc khác, nhưng trong dự thảo luật chỉ nói một khía cạnh đương nhiên là phục vụ cấp hộ chiếu. Hơn nữa, quản lý nhà nước về chữ ký điện tử này thuộc chức năng của Ban Cơ yếu Chính phủ đã được Luật Cơ yếu quy định, vì vậy, việc giữ nguyên quy định như dự thảo luật là hợp lý.
Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm các điều luật tác động trực tiếp đến quyền con người đã được hiến định, nên nhiều ĐBQH khẳng định cần hết sức thận trọng.
Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; bảo đảm quyền và trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, bảo hộ công dân, bảo đảm an toàn cho công dân và những hoạt động công vụ khác. Đặc biệt là bảo đảm thân phận về ngoại giao và phục vụ cho việc giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.