Trải qua không dưới 5 cuộc cải cách Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã được đổi mới không ngừng để đáp ứng những đòi hỏi của thời đại và công cuộc phát triển đất nước. Ở thời điểm cách ngày thành lập nước 71 năm, hôm nay, Nhà nước ta lại đang tiếp tục được đổi mới theo mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển. Đây có lẽ cũng là mô hình nhà nước phản ánh được ngày càng đầy đủ hơn những giá trị tư tưởng và đạo đức cao cả của ngày 2 tháng 9.
Vậy nội hàm của khái niệm Nhà nước kiến tạo phát triển là gì và Quốc hội đóng vai trò như thế nào trong mô hình nhà nước này?
Trước hết, để dễ cảm nhận, xin được lấy ví dụ từ bóng đá. Trong bóng đá, người kiến tạo nên bàn thắng không phải là người trực tiếp ghi bàn thắng. Nhưng không có sự dấn thân, sự tạo điều kiện của người này, không thể có bàn thắng. Nhà nước kiến tạo phát triển cũng giống như vậy. Nhà nước tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể mưu cầu hạnh phúc và vươn lên trong cuộc sống, chứ Nhà nước không làm thay người dân. Đây thật sự là một mô hình thể chế mà Nhà nước “nâng bóng” còn Nhân dân “ghi bàn”. Khi và chỉ khi hàng triệu người dân Việt Nam có điều kiện làm ăn dễ dàng, có năng lực làm chủ cuộc sống và sáng tạo tương lai thì sự giàu có và thịnh vượng bền lâu mới đến với đất nước ta. Và đó cũng mới chính là sự phát triển thực chất nhất và bền vững nhất.
Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng ở đây. Là cơ quan nắm quyền lập pháp của đất nước, Quốc hội cần phải xây dựng cho được những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm các quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước; bảo đảm các cam kết hợp đồng phải được tôn trọng và thực thi; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Các quy phạm pháp luật của một hệ thống như vậy tồn tại khách quan trong cuộc sống. Nhiệm vụ của Quốc hội là phải tìm cho ra, hơn là tự áp đặt ý muốn chủ quan của mình.
Ngoài ra, Quốc hội cũng cần thúc đẩy Chính phủ tìm mọi cách để cắt giảm chi phí làm ăn cho người dân; đồng thời trả lại cho xã hội những chức năng mà xã hội có thể đảm nhận tốt hơn. Xã hội hóa là một bước đi cụ thể theo hướng này. Chúng ta thúc đẩy xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực to lớn từ xã hội, mà còn để trả lại cho xã hội những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn.
|
Hai là, Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước biết làm cho người dân trở nên thực sự có quyền lực. Mở rộng dân chủ, bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật là rất quan trọng. Chỉ có mở rộng dân chủ chúng ta mới có thể xác lập được chế độ trách nhiệm trước dân và hệ thống khuyến khích phục vụ dân. Chỉ có bảo đảm sự tham gia của người dân chúng ta mới có thể làm cho chính sách, pháp luật gần với cuộc sống hơn, phản ánh đúng ý nguyện và lợi ích của người dân hơn. Tham vấn người dân trong việc ban hành chính sách, pháp luật là việc đang được Quốc hội triển khai. Tuy nhiên, việc này cần phải được đổi mới và nâng cao hiệu quả hơn nữa. Hiện tượng lấy ý kiến một cách hình thức, lấy ý kiến để hợp thức hóa ý muốn chủ quan của cơ quan soạn thảo cần phải được khắc phục.
Ba là, Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước tuân thủ pháp quyền. Pháp luật trước hết ràng buộc Nhà nước và các cơ quan công quyền. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng quan chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Từ việc xây dựng dự án, đề ra chính sách đến việc thực thi pháp luật các quan chức đều cần bảo đảm một cách chắc chắn rằng pháp luật cho phép họ làm như vậy. Trước khi hành động, mọi cơ quan công quyền, mọi công chức thực thi công vụ đều phải chỉ ra được điều luật cho phép họ hành động. Việc các quan chức muốn làm gì cũng được, còn người dân muốn làm gì cũng phải xin phép là không thể chấp nhận được đối với một Nhà nước kiến tạo phát triển. Ở đây, hoạt động giám sát của Quốc hội phải đặt trọng tâm vào việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Chính phủ và các cơ quan công quyền.
Bốn là, Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Quốc hội cần thúc đẩy hơn nữa Chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát chặt chẽ những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền. Độc quyền chỉ làm cho nền kinh tế kém hiệu quả và xã hội kém năng động mà thôi.
Năm là, Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước biết bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Hoạt động chất vấn và giải trình trước Quốc hội là rất quan trọng ở đây. Chúng làm cho chính sách và hành động của Chính phủ và các cơ quan trực thuộc Chính phủ trở nên rõ ràng, minh bạch. Quốc hội, đặc biệt là các phiên họp toàn thể của Quốc hội, cung cấp cho các quan chức Chính phủ một diễn đàn hết sức quan trọng và hiệu quả để giải trình không chỉ với các vị đại biểu, mà còn với đông đảo nhân dân. Biết sử dụng diễn đàn này để giải trình, để làm cho các quyết định và chính sách của mình trở nên minh bạch là một kỹ năng quan trọng đối với tất cả các quan chức Chính phủ. Ngoài ra, giải trình trực tiếp với nhân dân cũng rất quan trọng.
Cuối cùng, với di sản nặng nề của mô hình bao cấp, khó khăn, thách thức đặt ra trên con đường xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển thật sự là rất to lớn. Tuy nhiên, dẫn dắt chúng ta đi về phía trước không gì ngăn cản được là những lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.