![]() Kim Jong-un xuất hiện cùng cha tham dự buổi lễ duyệt binh ngày 10.10.2010 |
Nguồn: China News |
Hãng thông tấn chính thức KCNA hôm 19.12 kêu gọi 24 triệu người dân Triều Tiên tiếp tục vững bước dưới sự chỉ đạo Kim Jong-un, đồng thời khẳng định: “Sự lãnh đạo của đồng chí Kim Jong-un sẽ là sự bảo đảm tin cậy trong việc hoàn thành cuộc cách mạng theo tư tưởng Juche qua các thế hệ, khởi nguồn từ Chủ tịch Kim Nhật Thành và được nhà lãnh đạo Kim Jong-il tiếp bước lãnh đạo tiến tới thắng lợi”. Đây là dấu hiệu cho thấy Kim Jong-un, con trai út của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il với người vợ thứ ba, sẽ là người kế tục sự nghiệp của người cha quá cố.
Trên thực tế, Kim Jong-un đã được chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực kể từ sau khi cha ông bị đột quỵ hồi tháng 8.2008. Tháng 9 năm 2010, Chủ tịch Kim Jong-il đã ra chỉ thị phong quân hàm tướng cho 6 người, trong đó có con trai út Jong-un. Thông tin về việc thăng hàm tướng được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Đại hội Đảng Lao động chính thức khai mạc. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Triều Tiên trong vòng 3 thập kỷ qua, nhằm bầu ra những vị trí cốt cán trong bộ máy lãnh đạo nước này.
Trong một động thái rõ nét nhất, Jong-un được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia - cơ quan chính phủ quan trọng nhất của Triều Tiên, trở thành người có quyền lực cao thứ hai, chỉ sau cha.
Vị tướng trẻ Kim Jong-un lần đầu xuất hiện trước truyền thông quốc tế, trước khi Triều Tiên tổ chức lễ diễu hành lớn nhất lịch sử nước này để chào mừng 65 năm thành lập Đảng Lao động vào ngày 10.10.2010.
Tháng 11.2010, Jong-un chính thức được thừa nhận là nhân vật số hai trong hệ thống chính trị Triều Tiên, khi tên của anh được đặt ngay sau tên cha mình trong danh sách các thành viên Ủy ban lễ tang nhà nước dành cho Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc phòng Jo Myong-rok.
Kim Jong-un ngày càng tích cực xuất hiện trước công chúng và tham gia vào các hoạt động chung cùng cha. Trong số 152 chuyến thị sát trong vòng 1 năm qua, Jong-un tháp tùng cha 100 lần. Trong 100 chuyến thị sát nói trên, 26 lần Jong-un đến kiểm tra các đơn vị quân đội, 25 lần tới thăm các cơ sở kinh tế.
Tuy nhiên, do tuổi còn quá trẻ, ít kinh nghiệm, nhà lãnh đạo tương lai của Triều Tiên chắc chắn cần có sự hỗ trợ, đặc biệt từ các bậc lão thành và giới tướng lĩnh quân đội. Theo giới truyền thông, nhà lãnh đạo mới Kim Jong-un sẽ nhận được sự ủng hộ của quân đội, nhất là sự phò tá của người cô ruột Kim Kyong-hui - người phụ nữ đầu tiên ở Triều Tiên được phong hàm đại tướng, và một người thân khác là ông Chang Song-taek, một chính trị gia kỳ cựu ở Triều Tiên và vừa chính thức tái xuất hiện trên chính trường sau đợt đột quỵ hồi tháng 8.2008. Một nhân vật khác cũng được nhà lãnh đạo Kim Jong-il tin tưởng để “gửi gắm” con trai ông là Ri Yong-ho, một quan chức quân đội cấp cao có uy tín và là cánh tay đắc lực của ông trong nhiều năm qua. Giới chuyên gia về Triều Tiên dự đoán vị Phó nguyên soái này sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực từ Kim Jong-il sang Kim Jong-un, người vốn còn thiếu kinh nghiệm giải quyết các vấn đề quân sự.
Một thuận lợi lớn của Kim Jong-un là sự ủng hộ của đồng minh số một Trung Quốc. Với hai chuyến công du sang Trung Quốc hồi năm ngoái nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn trong việc chuyển giao quyền lực, ông Kim Jong-il dường như đã chuẩn bị con đường tốt nhất để con trai út có thể tiếp quản quyền lực một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, vị tướng trẻ chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn nhất là trong bối cảnh thế giới vừa trải qua một năm với nhiều biến cố cả về chính trị, kinh tế và xã hội, và Triều Tiên thường xuyên phải hứng chịu chính sách bao vây, cô lập của Mỹ. Một bất lợi khác, đó là sự thiếu kinh nghiệm sẽ khiến ông Kim Jong-il bị nghi ngờ về khả năng điều hành để tránh cho đất nước rơi vào bất ổn về an ninh, và xây dựng được hệ thống chính trị ổn định sau cuộc chuyển giao quyền lực.