Người đàn ông tử vong sau 4 tháng bị chó nhà hàng xóm cắn

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình Đỗ Quốc Tiệp cho biết, tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân không tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó nhà hàng xóm cắn cách đây hơn 4 tháng.

Tử vong sau 4 tháng bị chó cắn

Theo đó, người bệnh tên N.T.H. là nam giới, sinh năm 1974 ở phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới. Theo lời kể của gia đình, vào ngày 3.3.2023, bệnh nhân bị chó của nhà hàng xóm cắn, vết thương ở ngón trỏ bàn tay phải, nông, chảy lượng máu không nhiều. Sau khi bị cắn, ông H. xử lý vết thương bằng cách rửa nước, ngoài ra chưa can thiệp gì và cũng không tiêm vắc xin phòng dại. 

2 ngày sau, con chó tấn công bệnh nhân bất ngờ chết. Từ khi bị chó cắn cho đến ngày 11.7, ông H. sống khỏe mạnh bình thường, nhưng đến chiều cùng ngày bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi. Qua ngày 12.7, bệnh nhân trở nặng và gia đình đưa đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới để điều trị, chẩn đoán ban đầu nghi bệnh dại. 

Đến chiều 13/7, bệnh nhân chuyển biến rất nặng, gia đình xin chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị, chẩn đoán khi chuyển viện: bệnh dại lên cơn. Thời điểm nhập viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán bệnh dại và trả về. Tới tối 14.7, người này được xác định đã tử vong trên đường về nhà.  

Theo CDC tỉnh Quảng Bình, ngay khi nhận được thông tin ca bệnh nhập viện từ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới nghi do bệnh dại, đơn vị đã cử cán bộ phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới, Trạm Y tế phường Đồng Sơn trực tiếp điều tra dịch tễ tại khu vực dân cư nơi gia đình bệnh nhân sinh sống.

Qua điều tra phát hiện thêm một trường hợp là cháu bé 11 tuổi, có liên quan đến con chó cắn người tử vong (bị cắn cùng ngày với bệnh nhân H.). Tuy nhiên trường hợp này ngay sau khi bị chó cắn đã được gia đình đưa đi tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại đúng, đủ liều. Hiện tại, sức khỏe của cháu bé bình thường.

Phòng bệnh dại thế nào?

Theo bác sĩ Huỳnh Công Hùng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Bình), bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm, do virus dại gây ra và có thể lây từ động vật có vú (chó, mèo, dơi, chuột, thỏ, gấu trúc, chồn, cáo, chó sói…) sang người thông qua nước bọt của động vật có mang virus dại, dẫn đến nhiễm trùng não và thần kinh trung ương một cách nghiêm trọng.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại.

Bác sĩ Hùng nhấn mạnh, điều cần lưu ý là chó con dù bị nhiễm virus dại nhưng vẫn sống bình thường. Nước bọt của chúng có chưa virus dại, do đó khi vô tình cho trẻ em chơi đùa, để cho chó liếm vào da, nhất là nơi có vết thương hở rất dễ bị nhiễm virus dại mà không hay biết. Khi đã lên cơn dại do chó dại cắn (kể cả động vật) đều dẫn đến tử vong. 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi tiêm dự phòng bằng vắc xin dại hoặc điều trị bằng huyết thanh kháng dại, trong đó có khoảng 60.000-70.000 người bị chết do bệnh dại.

Tại Việt Nam, bệnh dại có mặt ở hầu hết ở các tỉnh, thành phố. Từ những năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên cả nước có khoảng 70 - 110 người mắc bệnh dại và tử vong, trung bình mỗi năm có khoảng 440.000 người phải đi tiêm phòng vắc xin do động vật cắn. Chó là động vật chủ yếu truyền bệnh dại, chiếm khoảng 97%.

Người đàn ông tử vong sau 4 tháng bị chó nhà hàng xóm cắn -0
Chó là động vật chủ yếu truyền bệnh dại (Hình minh hoạ)

Hiện tại, do việc quản lý vật nuôi chưa chặt chẽ, các gia đình chưa tự giác thực hiện thường xuyên việc tiêm chủng phòng ngừa bệnh dại cho chó, mèo… cùng với sự chủ quan của người dân, nên bệnh dại ở nước ta đang có xu hướng gia tăng.

Bác sĩ Hùng khuyến cáo người dân, ngay sau khi bị động vật cắn, liếm hay cào xước, cần rửa vết thương ngay lập tức bằng nước sạch cùng với các dung dịch có thể tiêu diệt virus dại, như: xà phòng, povidone iodine… rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị vết thương cũng như tiêm vắc xin phòng dại.

Trường hợp vết thương gần thần kinh trung ương (vùng đầu, mặt, cổ) hoặc biết chắc chắn là chó dại cắn, bệnh nhi sẽ được chỉ định tiêm huyết thanh chống bệnh dại. “Người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm thì việc ngăn chặn sự khởi phát triệu chứng và tử vong của bệnh dại sẽ càng có hiệu quả cao”, bác sĩ lưu ý.

Bác sĩ Hùng cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ thực tế trường hợp tử vong do bệnh dại tại địa bàn phường Đồng Sơn, CDC tỉnh đã yêu cầu Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới trực tiếp và chỉ đạo Trạm Y tế Đồng Sơn thường xuyên giám sát phát hiện sớm trường hợp bị chó, mèo và súc vật cắn để xử lý sớm không để xảy ra trường hợp tử vong do bệnh dại.

Bên cạnh đó, cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn truyền thông trực tiếp hoặc bằng mọi phương pháp để người dân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của bệnh dại, vận động nhân dân khi bị súc vật (chó, mèo...) cắn, cào xước, tới ngay các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời.

CDC tỉnh cũng khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là khi thời tiết nắng nóng kéo dài, súc vật rất dễ phát bệnh. Vì vậy, ngoài việc tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho chó mèo, các gia đình có trẻ nhỏ nên hạn chế cho các bé tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo; nhất là chó mèo bị ốm chưa rõ nguyên nhân cần được cách ly hoàn toàn để bảo đảm an toàn sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Sức khỏe

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á
Sức khỏe

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City và các kỹ sư từ Trung tâm công nghệ 3D trong y học, Đại học VinUni đã thực hiện thành công ca phẫu thuật triệt căn khối u trung thất với kích thước 11,5 cm và tái tạo lồng ngực cho bệnh nhân bằng vật liệu Titan.

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh
Sức khỏe

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh

Với lợi thế dây chuyền khám và tiêm hiện đại, chuyên nghiệp, đồng bộ trên cả nước và tại 39 trung tâm tại TP. Hồ Chí Minh, cùng gần 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển tiêm hơn 1.200 mũi vắc xin các loại trong ngày đầu chiến dịch tăng cường, trong đó có gần 200 mũi vắc xin sởi miễn phí.

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ
Sức khỏe

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ

Ngay sau cơn bão số 3 - Yagi vừa qua, FPT Long Châu đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, các cơ quan quản lý y tế địa phương và các cơ quan báo chí để thực hiện hỗ trợ ứng cứu sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân vùng lũ.