![]() Tướng David Petraeus tuyên thệ nhậm chức Giám đốc CIA |
Nguồn: Getty Images |
Con đường binh nghiệp của vị tướng 58 tuổi này khá thuận buồm xuôi gió. Trong những năm gần đây, ông được đánh giá là ngôi sao sáng nhất trong quân đội Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tại Iraq và góp phần điều chỉnh chiến lược rút quân Mỹ ở Afghanistan. Việc biệt kích Mỹ tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden đã tạo tiền đề để chuyển tướng Petraeus sang một nhiệm vụ mới phù hợp với thực tế. Khi ông Petraeus chính thức rời quân ngũ ngày 30.8 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Đô đốc Michael Mullen, đã ca ngợi vị tướng 4 sao này là một trong những “gã khổng lồ” của lịch sử quân đội Mỹ.
Bề dày thành tích trận mạc không phải là một “bùa hộ mệnh” bảo đảm thành công cho ông Patraeus trên cương vị mới. Song, theo giới phân tích, đây không phải là một nhiệm vụ bất khả thi khi ranh giới giữa quân đội và hoạt động tình báo đang bị xóa mờ dần. Ngồi vào chiếc ghế mới tại CIA một thập kỷ sau các vụ khủng bố 11.9 - sự kiện đã làm thay đổi nước Mỹ, Petraeus cam kết sẽ tiếp tục sự nghiệp bảo vệ đất nước trước các nguy cơ và biến CIA trở thành một cỗ máy hiệu quả hơn. Nhiệm vụ của tân giám đốëc là cải thiện quan hệ đang đóng băng với Pakistan. Thêm vào đó, ông Petraeus sẽ phải giải quyết các hồ sơ gai góc khác, trong đó vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và Trung Quốc…
Mới nghe, tưởng chừng như công việc tại CIA sẽ là quá mới mẻ đối với tân Giám đốc Petraeus. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Langley chỉ là một ngôi nhà mới chứ không lạ đối với vị tướng 4 sao này. Sở dĩ nói vậy vì trong 10 năm qua, khi Washington phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu sau sự kiện 11.9.2001, giữa hoạt động của quân đội và CIA đã có những sự giao thoa nhất định và hầu như không có sự phân biệt.
Dưới sự lãnh đạo của cựu Giám đốc Leon Panetta, hiện là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, CIA đang dần trở thành một tổ chức bán quân sự, tăng cường chiến dịch đánh bom tại Pakistan bằng cách sử dụng các máy bay không người lái vũ trang và tăng số lượng căn cứ cũng như nhân viên tình báo hoạt động bí mật ở các khu vực xa xôi của Afghanistan. Trong khi đó, Tướng Petraeus cũng nỗ lực thúc đẩy quân đội thâm nhập sâu hơn các lĩnh vực của CIA, sử dụng các Lực lượng Tác chiến Đặc biệt và các nhà thầu an ninh tư nhân để thực hiện các nhiệm vụ bí mật. Là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ từ tháng 9.2009, Tướng Petraeus cũng ký lệnh cho phép các Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của Mỹ thu thập tin tức tình báo liên quan đến Ảrập Xêút, Jordan, Iran và các nước khác ngoài khu vực chiến tranh truyền thống. Kết quả là, quân đội Mỹ và các nhân viên CIA không có gì khác nhau khi họ tiến hành các hoạt động bí mật ở Trung Đông và Trung Á.
Ranh giới giữa quân nhân và nhân viên tình báo ngày càng trở nên không rõ ràng, gây nên sự chỉ trích trong nội bộ của cả hai tổ chức. Một số quan chức CIA cho rằng chiến dịch đánh bom của họ tại Pakistan - nền tảng của chiến lược chống khủng bố của chính quyền Obama - đã làm sai lệch nhiệm vụ mang tính chất lịch sử của CIA là một cơ quan tình báo dân sự và biến cơ quan này thành một đơn vị của Bộ Quốc phòng. Trong khi đó, khi các quân nhân được sử dụng nhiều vào các hoạt động gián điệp ở nước ngoài, họ dễ bị lộ và không được sự bảo vệ của Công ước Geneva nếu bị các chính phủ thù địch bắt giữ.
Mỹ ngày càng tin rằng việc sử dụng lực lượng tình báo chứ không phải sức mạnh vượt trội của quân đội có thể kịp thời đánh bại nhiều kẻ thù hiện nay của Mỹ. Những nhân tố này thúc đẩy hoạt động quân sự và tình báo gắn bó với nhau hơn trong những năm kể từ sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11.9.2001. Thượng nghị sỹ Jack Reed, một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ trong Ủy ban Quân lực Thượng viện, nói: “Trên chiến trường, không có sự phân định rõ ràng nhiệm vụ. Các hoạt động quân sự có thể kéo dài để xây dựng các lực lượng an ninh địa phương, còn tình báo là chiếc chìa khóa cho các hoạt động và để biết trước về kẻ thù”. Với quan điểm trên, rõ ràng, con đường phía trước của tân Giám đốc CIA Petraeus không có gì quá mới mẻ.