Ủy ban Đối ngoại đánh giá cao chủ đề của Hội nghị Ngoại giao 29 “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” và nhất trí cao ý kiến phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã đánh giá những thành tựu nổi bật của ngành ngoại giao trong thời gian qua và đề ra phương hướng, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chúng tôi tin tưởng với trí tuệ, bản lĩnh và sự thông thái của những người làm công tác đối ngoại, tại Hội nghị lần này, các đồng chí Đại sứ, Tổng lãnh sự, các cán bộ ngoại giao của nước ta ở trong và ngoài nước sẽ thảo luận và đề ra những biện pháp hữu hiệu tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta lên một tầm cao mới.
Hỗ trợ tích cực cho ngoại giao Nhà nước, bổ sung cho ngoại giao Nhân dân
![]() |
Trong những năm qua, hoạt động đối ngoại của QH Việt Nam đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ tích cực cho ngoại giao Nhà nước và bổ sung cho ngoại giao nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Cùng với vai trò và vị thế của đất nước được khẳng định và đề cao trên trường quốc tế, cho đến nay, QH Việt Nam đã có quan hệ với 140 nghị viện các nước và là thành viên của nhiều tổ chức hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới. Hoạt động đối ngoại của QH nước ta với QH các nước ngày càng mở rộng, hiệu quả và thực chất hơn, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các bạn bè truyền thống và các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Thông qua các chuyến thăm của Lãnh đạo QH, các cơ quan chuyên môn của QH và đón tiếp rất nhiều đoàn đại biểu của nghị viện các nước đến thăm, làm việc, thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hoạt động đối ngoại thông qua kênh QH đã góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác toàn diện, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè trên thế giới; tăng cường sự hiểu biết, ủng hộ của nghị viện, nghị sĩ các nước, nhất là trong việc phê chuẩn và thúc đẩy thực hiện các chính sách của Chính phủ như tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, thông qua nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ODA, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ về giáo dục đào tạo và giao lưu nhân dân.
Công tác đối ngoại đa phương của QH ngày càng rộng mở, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại chung và nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước. QH Việt Nam đã chủ động, tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA); Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Diễn đàn đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP)… Đặc biệt, QH Việt Nam là chủ nhà của Đại hội đồng IPU - 132 - Đại hội đồng có nhiều cái nhất: Đón tiếp và tổ chức chu đáo cho các hoạt động của một hội nghị đa phương dài ngày nhất, nhiều nội dung nhất; số lượng khách quốc tế đông nhất (gần 2.000 người); nhiều đoàn cấp cao nhất (100 Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện); nhiều hoạt động nhất (trên 80 hoạt động đa phương và hơn 100 hoạt động song phương). Việc tổ chức thành công Đại hội đồng IPU - 132 đã gây được tiếng vang quốc tế và đem lại những kết quả hết sức có ý nghĩa đối với Việt Nam và QH Việt Nam.
Mặt tích cực, chủ động trong công tác đối ngoại của QH còn được thể hiện qua hành động kịp thời của QH đối với những vấn đề liên quan đến chủ quyền, lợi ích quốc gia. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, đặc biệt là tình hình ở Biển Đông, QH Việt Nam đã có các hình thức vận động, đấu tranh phù hợp về đối ngoại. QH đã thông qua Luật Biển, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. QH Việt Nam đã ra thông cáo về tình hình Biển Đông, gửi thư cho lãnh đạo QH các nước, góp phần cùng nhân dân cả nước bảo vệ chủ quyền biển đảo khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; góp phần duy trì môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực. QH nước ta cũng đã kiên trì chủ trương vừa tích cực vận động hợp tác, vừa kiên quyết đấu tranh có hiệu quả nhằm bác bỏ và ngăn cản những dự luật và nghị quyết sai trái liên quan đến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Trong những năm gần đây, hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát của QH góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình hội nhập của đất nước. QH đã thông qua nhiều đạo luật tạo hành lang pháp lý phù hợp cho hội nhập quốc tế với việc ban hành, sửa đổi các quy định pháp luật, nhất là hệ thống quy định pháp luật kinh tế. Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý toàn diện trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế. QH cũng đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là vừa thông qua Luật Điều ước quốc tế. Ủy ban Đối ngoại và các cơ quan của QH, Chính phủ cũng đang tích cực chuẩn bị trình QH phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong nhiều năm qua, Ủy ban Đối ngoại của QH cũng như các cơ quan của QH đã luôn nhận được sự phối hợp và hỗ trợ hết sức kịp thời, hiệu quả của Bộ Ngoại giao trong công tác đối ngoại của QH. Bộ Ngoại giao đã hợp tác rất chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại trong việc tham mưu và thực hiện chương trình, kế hoạch triển khai các hoạt động song phương và đa phương; các chuyến thăm, tiếp xúc đối ngoại của Lãnh đạo và các cơ quan của QH, đáng ghi nhận năm 2015 với sự hỗ trợ đắc lực của Bộ Ngoại giao, các Trưởng cơ quan đại diện là một trong những nhân tố mang lại thành công của Đại hội đồng IPU - 132.
Ủy ban Đối ngoại và Bộ Ngoại giao đã phối hợp rất nhịp nhàng trong đấu tranh và vận động về đối ngoại. Với những đặc điểm riêng của ngoại giao nghị viện, đối ngoại QH có những kênh trao đổi với tất cả các thành phần trong nghị viện nên có thể tận dụng để phối hợp với đối ngoại Nhà nước trong vận động và đấu tranh về đối ngoại, nổi bật là tranh thủ, vận động để xử lý các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, Biển Đông; nhân quyền, dân chủ, tôn giáo… qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong thái độ của Chính phủ, Nghị viện, nhân dân các nước đối với Việt Nam.
Bộ Ngoại giao và Ủy ban Đối ngoại cũng đã hợp tác ngày càng chặt chẽ trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan đến đối ngoại; bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại nước ngoài; công tác biên giới, hoạt động ngoại vụ địa phương, kinh tế đối ngoại; kinh phí hoạt động của Bộ Ngoại giao; tình hình hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao, công tác cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài... Những thông tin thường xuyên và cập nhật do Bộ Ngoại giao cung cấp luôn là nguồn tin ổn định và đáng tin cậy nhất tạo cơ sở thuận lợi cho Ủy ban Đối ngoại tham mưu và triển khai công tác đối ngoại của QH.
![]() Toàn cảnh khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội năm 2015 |
Nhân dịp Hội nghị hôm nay, cho phép tôi thay mặt Ủy ban Đối ngoại của QH xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến đồng chí Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ, các cơ quan chuyên môn, các đồng chí Trưởng đại diện đã phối hợp hiệu quả với Ủy ban Đối ngoại trong thời gian vừa qua.
Tăng cường hợp tác hiệu quả hơn trong công tác đối ngoại
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về đối ngoại trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, trong thời gian tới, chúng ta có rất nhiều việc cần phải phối hợp, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung cần phối hợp tập trung sau:
Một là, tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa trong công tác đối ngoại; mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước; phát huy vai trò của các kênh đối ngoại góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Hai là, tăng cường phối hợp trên các vấn đề liên quan đến lập pháp - giám sát liên quan đến đối ngoại; việc thực thi theo Hiến pháp 2013, Luật Điều ước quốc tế 2016 và sắp tới là sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đặc biệt là đề nghị các cơ quan đại diện nước ta tại nước ngoài giúp tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng nhà nước pháp quyền, quản trị nhà nước hiệu quả, khai thác tốt nhất các cơ hội mà các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia để phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.
Ba là, tích cực hỗ trợ công tác giám sát việc thực hiện chính sách đối ngoại; việc thực hiện các văn bản pháp luật, các hiệp định biên giới, lãnh thổ và các thỏa thuận, điều ước quốc tế đã ký kết; việc thực hiện chủ trương và chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài; hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; hoạt động bảo hộ công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu chuyên sâu về đối ngoại, nhất là những nghiên cứu chính sách của các nước về các vấn đề an ninh, đối ngoại giúp cho QH trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác đối ngoại ở QH nâng cao trình độ, nắm bắt thực tiễn công tác ở các cơ quan đại diện ngoại giao, nhất là tại những địa bàn cần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa QH nước ta với nghị viện nước sở tại.
Năm là, vấn đề phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thuộc thẩm quyền phê chuẩn của QH. Đến nay, Ủy ban Đối ngoại đã chủ động cùng Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của QH và các cơ quan Chính phủ tổ chức 6 cuộc Hội thảo theo từng chuyên đề với các đối tượng chịu tác động và chủ động rà soát sự xung đột hệ thống pháp luật Việt Nam với các nội dung cam kết. Vấn đề thời gian cụ thể thông qua QH phê chuẩn vào thời điểm nào? Theo phương án nào có lợi nhất? Chúng tôi mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ việc phê chuẩn này.
Cuối cùng, một lần nữa tôi xin chúc ngành ngoại giao Việt Nam thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Chúc các đại biểu và quý vị khách quý dồi dào sức khỏe, chúc Hội nghị Ngoại giao 29 thành công tốt đẹp.
____________
* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt