Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân, năm 2024 ngành da giày phải đối mặt với nhiều quy định mới của các thị trường nhập khẩu tạo ra khó khăn lẫn thách thức trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, khó khăn lớn nhất của ngành da giày là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển. Thống kê hiện nay cho thấy, đa số các nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất đều được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Các doanh nghiệp chủ yếu gia công mà chưa phát triển công nghiệp nguyên, phụ liệu.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Theo đó, nếu các nước xuất khẩu (như Việt Nam) mua nguyên, phụ liệu từ nước thứ 3 (mà nước này có trợ cấp cho sản xuất nguyên, phụ liệu) thì hàng xuất khẩu sẽ bị đánh thuế. Ngoài Mỹ, EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này. Các chính sách này yêu cầu tất cả các quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU phải tuân thủ. Đây rõ ràng là một trong những thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị xây dựng trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu và đổi mới sáng tạo, giúp thúc đẩy hoạt động của thị trường nguyên, phụ liệu theo hướng chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó, các doanh nghiệp trong ngành vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, vừa có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành.
Theo Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, Chính phủ đã đặt mục tiêu về phát triển công nghiệp hỗ trợ là xây dựng 3 trung tâm của ngành cơ khí và 2 trung tâm của ngành dệt may, da giày. Hiện nay, Bộ Công Thương đã khởi công xây dựng 2 trung tâm cơ khí tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. “Trung tâm của ngành dệt may và da giày đã hội đủ điều kiện để xây dựng”, ông Trương Thanh Hoài nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP (ngày 3.11.2015) về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó da giày là một trong 6 ngành được hưởng các chính sách ưu tiên đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu. Bên cạnh đó, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may - da giày để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nghiên cứu, xây dựng Đề án trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu, nhằm giúp phát triển ngành bền vững và lâu dài.
Đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu mới, hiệp hội cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận những nguồn lực. Trong đó có nguồn lực về tài chính giúp doanh nghiệp có dòng tiền tiếp tục phát huy sản xuất kinh doanh hay hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới công nghệ hoặc tham gia các chương trình từ các tổ chức quốc tế, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực về quản lý cũng như kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn và chất lượng của các thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo bà Trần Thị Kim Ngân, đại diện Công ty TNHH CTC vải không dệt Việt Nam, trước các yêu cầu của thị trường EU về phát triển bền vững, ban đầu cũng khá khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu đầu vào, vì nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ chất lượng.
Để đáp ứng tiêu chuẩn EU, bản thân nhà cung ứng phải đáp ứng tiêu chí đó, nên đa số vẫn phải nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, bà Ngân lạc quan cho rằng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cấp. Vì đây là xu hướng toàn cầu nên buộc doanh nghiệp phải thay đổi, đổi mới để tạo ra sản phẩm mới an toàn với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu hơn; đồng thời, cũng chính là động lực để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường.