
"Kỳ tích sông Maghna"
Bị thiên tai tàn phá thường xuyên, nền kinh tế phụ thuộc triền miên vào viện trợ và kiều hối nước ngoài, cùng với dòng người tị nạn và di cư trong nhiều năm, Bangladesh từng là “một cái rổ chứa đựng đầy đau khổ”, như Zia Haider Rahman đã viết trong tiểu thuyết đầu tay “Dưới ánh sáng của những gì chúng ta biết”. Nhưng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày độc lập, Bangladesh đang nhanh chóng trở thành một mô hình phát triển mà có thể gọi là “kỳ tích sông Meghna”.
Một trong những thành tựu nổi bật của Bangladesh phải kể đến việc cải thiện đáng kể mức sống trung bình của người dân. Theo dữ liệu gần đây nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP bình quân đầu người của Bangladesh (tính theo sức mua tương đương) vào năm 1987 chỉ bằng một nửa của Pakistan và vào năm 2007 chỉ bằng 2/3 của Ấn Độ. Nhưng vào năm 2020, GDP bình quân của Bangladesh đã đã vượt qua Pakistan và đang bắt kịp Ấn Độ, một phần nhờ thành công trong việc trở thành nhà xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu, chỉ sau Trung Quốc và Việt Nam.
Đáng chú ý hơn nữa là sự cải thiện về các chỉ số xã hội như tuổi thọ, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ, mức sinh và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ. Quan trọng không kém, Bangladesh đã duy trì được một tình trạng ổn định dân chủ: giữ quân đội trong doanh trại.
Nghịch lý dịch vụ công
Nhưng ngoài những thước đo như vậy, sự thần kỳ của Bangladesh còn khác biệt ở hai khía cạnh mà đến nay vẫn chưa được đánh giá đầy đủ từ quan điểm kinh tế chính trị. Đầu tiên liên quan đến sự hình thành Nhà nước và quyền hạn của Nhà nước đó. Đặc điểm nổi bật của Nhà nước hiện đại là nắm độc quyền về bạo lực hợp pháp, thu tiền hợp pháp (cụ thể là thuế) cũng như quyền cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Độc quyền thứ hai phục vụ mục tiêu thứ ba - thu thuế của dân để cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Thế nhưng, ở Bangladesh, Nhà nước đã tự nguyện nhượng lại quyền độc quyền cung cấp dịch vụ cho khu vực phi chính phủ. Quỹ Tài nguyên xuyên cộng đồng (Building Resources Across Communitie - BRAC) và một số tổ chức phi chính phủ (NGO) nổi tiếng khác đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trường học, tài chính và dẫn đầu các chiến dịch y tế công cộng liên quan đến các dịch bệnh. Bất chấp sự hiện diện quá lớn của khu vực NGO, các nhà lãnh đạo Bangladesh không coi các hoạt động của khu vực này là sự chiếm đoạt quyền lực của nhà nước.
Như vậy, Bangladesh cung cấp một nghiên cứu hấp dẫn về kinh tế chính trị. Thông thường, các quốc gia dân chủ bảo đảm sự ủng hộ của dân chúng bằng cách cung cấp các dịch vụ mà công dân cần. Hầu hết các nhà nước trên thế giới không muốn từ bỏ chức năng đó vì tước bỏ điều đó đồng nghĩa với tước bỏ quyền lực và tính hợp pháp. Các chủ thể phi nhà nước càng trở nên hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công, thì các nhà nước càng cảm thấy bị đe dọa. Nhưng Bangladesh lại nằm ngoài quy luật này.
Điều này có thể được giải thích một phần vì Bangladesh trong những năm đầu sau độc lập quá nghèo và thiếu năng lực, nên việc cung cấp dịch vụ công bị ảnh hưởng, tạo ra khoảng trống cho các bên khác. Những tổ chức nắm bắt cơ hội sau đó được tiếp cận với dòng vốn viện trợ nước ngoài khổng lồ, chiếm trung bình (tính theo giá trị ròng) 5% GDP trong 25 năm cho đến đầu thế kỷ này.
Nhưng các nguyên nhân sâu sắc hơn cũng có thể được xem xét. Cho rằng Bangladesh có tỷ lệ thuế trên GDP tương đối thấp, dưới 10%, người ta có thể suy ra rằng Nhà nước đã ngầm chọn từ bỏ độc quyền cung cấp dịch vụ để tránh thực hiện độc quyền thuế đắt hơn về mặt chính trị. Vì vậy, trong khi Pakistan được coi là một “Quốc gia thất bại”, và Ấn Độ như là một “Nhà nước vùng vẫy”, Bangladesh, mặc dù là một nhà nước non trẻ, lại đang tỏ ra hiệu quả hơn các nước láng giềng Nam Á của mình.
Nghịch lý xuất khẩu
Đặc điểm nổi bật khác trong sự phát triển thần kỳ của Bangladesh là hoạt động xuất khẩu và nghịch lý nằm ở trung tâm của thành công xuất khẩu này. Như nghiên cứu của chuyên gia Arvind Subramanian, cựu Cố vấn Kinh tế của Chính phủ Ấn Độ và Raghuram G. Rajan tại Đại học Chicago đã chỉ ra, xuất khẩu là lĩnh vực tương đối kém phát triển ở các nước nghèo vốn được nhiều viện trợ. Điều này chứng minh sự tồn tại của “lời nguyền viện trợ”. Viện trợ nước ngoài, cũng giống như việc sở hữu dầu mỏ và khí đốt dồi dào, có xu hướng làm cho tỷ giá hối đoái thực quá mạnh, khiến các ngành xuất khẩu không thể cạnh tranh được. Nhưng Bangladesh đã đi ngược lại xu hướng này một lần nữa.
Ngoài yếu tố may mắn và khả năng nắm bắt cơ hội đúng thời điểm, có nhiều yếu tố khác phải kể đến đã góp phần vào thành công trong lĩnh vực xuất khẩu của Bangladesh bao gồm lực lượng lao động dồi dào; việc duy trì mức lương tính bằng USD đủ thấp để bù đắp tỷ giá hối đoái bị đẩy lên quá mạnh bởi viện trợ nước ngoài và kiều hối; và ưu đãi tiếp cận thương mại với thị trường nước ngoài, đầu tiên là theo Thỏa thuận Đa sợi (Multi fiber agreement - một thỏa thuận cho phép hai nước đàm phán hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may) cho đến khi nó bị bãi bỏ năm 2005, và sau đó là theo các chương trình do Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu thiết lập.
Tất nhiên, trong tương lai, Bangladesh - một quốc gia nằm ở vùng trũng của vỏ trái đất, sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, nhưng khả năng duy trì sự chuyển đổi kinh tế của quốc gia này sẽ phụ thuộc vào cách hai đặc điểm nổi bật này phát triển. Nếu các chủ thể phi nhà nước tham gia chính trị, họ có thể làm đảo lộn trạng thái cân bằng hiện tại, khiến nhà nước phải tái chiếm độc quyền cung cấp dịch vụ. Nếu điều đó xảy ra gần như chắc chắn sẽ phải tăng thuế để chứng tỏ rằng nó có thể hoạt động hiệu quả như các tổ chức phi chính phủ. Tương tự, khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Bangladesh có thể bị suy giảm do áp lực tăng lương, việc thực thi các tiêu chuẩn và quy định lao động ngày càng tăng, và nguy cơ mất cơ hội tiếp cận với ưu đãi xuất khẩu tại các thị trường giàu có.
Bangladesh tách khỏi Ấn Độ vào năm 1947 vì lý do tôn giáo và sau đó tách khỏi Pakistan vào năm 1971 vì lý do ngôn ngữ và văn hóa. Trong nhiều thập kỷ, quốc gia non trẻ này luôn nằm ở “chiếu dưới” so với Ấn Độ và Pakistan. Nhưng điều đó không còn nữa. Giờ đây, với một mô hình phát triển đầy thú vị, đất nước hai lần chia cắt này đang chứng minh họ chính là một “mẫu vật thành công” mà các quốc gia gặp khó khăn khi giành độc lập hoàn toàn có thể nghiêm túc xem xét.