Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2020 đến quý I năm 2024, Công an cả nước phát hiện, xử lý 728 vụ/883 đối tượng liên quan đến TLĐT/TLNN (trong đó khởi tố do phạm tội về ma tuý 162 vụ/ 299 đối tượng; khởi tố về tội buôn lậu 2 vụ/2 đối tượng; còn lại xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hoá không có nguồn gốc xuất xứ.
Chỉ trong quý I năm 2024 đã phát hiện, bắt giữ gần bằng ½ của cả năm 2023, điều này cho thấy sự gia tăng nhanh chóng, báo động các vi phạm này. Năm 2023, có 1.224 người nhập viện do sử dụng thuốc lá mới.
Thông tin tại hội thảo về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 173/2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV do Bộ Y tế tổ chức ngày 25.12, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế ThS. Đinh Thị Thu Thủy cho biết, nghị quyết nêu rõ: “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể”.
Để Nghị quyết được thông qua, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai hàng loạt hoạt động như xin ý kiến, cung cấp thông tin cho các bộ, ngành, Chính phủ, Uỷ ban Xã hội, Uỷ ban Văn hoá giáo dục về đề xuất chính sách cấm TLĐT, TLNN; xác định hình thức bằng Nghị quyết của Quốc hội.
Chia sẻ ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết liên quan cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đại diện WHO ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm thông tin, theo nghiên cứu tổng hợp số liệu từ 75 quốc gia, các quốc gia có qui định cho phép thuốc lá điện tử có tỷ lệ sử dụng trung bình cao gấp 1,8 lần so với các quốc gia chưa có qui định. Các quốc gia cấm có tỷ lệ chỉ bằng 0,6 lần so với các quốc gia không có qui định.
WHO cũng đưa ra khuyến nghị về vấn đề thực thi qui định cấm. Cụ thể, cần tập trung vào ngăn chặn nguồn cung, ngăn việc nhập lậu, buôn bán và quảng cáo TLĐT, TLNN. Tăng cường ngăn chăn tại các cửa khẩu cũng như tại các điểm bán.
Mức phạt với các hành vi vi phạm cần đủ cao, có tính răn đe. Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm) và Nghị định 38/2021/NĐ-CP (lĩnh vực văn hóa, quảng cáo) đã có qui định khá phù hợp.
Cần thực thi cả môi trường thực địa và môi trường mạng; có chiến dịch ra quân và duy trì mạnh mẽ, giống như qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm và cấm uống rượu lái xe. Đồng thời, kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức, và sự vào cuộc đa ngành. Bên cạnh đó, có các cuộc khảo sát, đánh giá thường xuyên để theo dõi mức độ sử dụng và hiệu quả của việc thực thi qui định cấm.