Nga tìm kiếm vị trí trọng tài
Kể từ khi đưa quân đến Syria tháng 9.2015 tới nay, Nga đã chứng tỏ là một thế lực không thể bỏ qua trong khu vực. Năm 2017, lực lượng quân sự Nga không những đánh bại các phần tử khủng bố, mà còn giúp quân đội chính phủ Syria lần lượt thu hồi các tỉnh, thành phố trọng yếu như Aleppo, Deir ez-Zor. Hiện nay, ngoài khu vực phía Đông Bắc do người Kurd kiểm soát, một số khu vực lẻ tẻ bị phe đối lập chiếm đóng, quân đội chính phủ Syria đã kiểm soát hầu hết thành phố lớn và các tuyến giao thông, chiếm ưu thế tuyệt đối trên chiến trường. Sự yên bình hiếm hoi của Syria và thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố cũng đã giúp Nga xây dựng được hình ảnh “người trọng tài ở Trung Đông”. Tuy nhiên, để có thể duy trì vị thế này sau khi chiến thắng IS là điều không đơn giản.
Trước hết, tiến trình chính trị và tái thiết Syria sau chiến tranh là nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Bên cạnh đó, sau khi IS tháo chạy, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ở Trung Đông ngày càng gay gắt hơn: Tình hình ở Yemen, Lebanon Hariri xấu đi, quan hệ giữa Iran và Ảrập Xêút ngày càng căng thẳng hơn.
Mặc dù ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông đã tăng nhanh, nhưng điều này không có nghĩa mang lại lợi thế cạnh tranh với Mỹ. Mỹ có hệ thống đồng minh hoàn chỉnh ở Trung Đông, và là người tham gia về chính trị, quân sự chủ yếu nhất ở khu vực này. Do sức mạnh quốc gia có hạn, Nga cũng xác định sẽ đóng vai trò người hòa giải ở Trung Đông, thông qua lấy thành quả Syria để mở rộng ra nơi khác, dựa vào ngoại giao, sự đầu tư quân sự và buôn bán vũ khí có hạn để mở rộng ảnh hưởng.
Mỹ khôi phục đồng minh
Trong khi đó, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã và sẽ điều chỉnh chính sách với Trung Đông trên nhiều phương diện. Thứ nhất, gia tăng sử dụng biện pháp quân sự. Washington sẽ không sử dụng vũ lực một cách thái quá cũng như sẽ không quá thận trọng, mà ở mức vừa phải, tăng cường tính chủ động khi lập kế hoạch cho cục diện bàn cờ Trung Đông. Thứ hai, khôi phục và tăng cường quan hệ với các nước đồng minh ở Trung Đông. Từ khi lên nắm quyền đến nay, Tổng thống Trump đặc biệt củng cố quan hệ với Israel, Ai Cập. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức Tổng thống cũng là các quốc gia Trung Đông.
Về thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Trump chưa có động thái điều chỉnh mang tính thực chất. Sau khi lên cầm quyền, mặc dù ông Trump và các thành viên nội các đều chỉ trích thỏa thuận này nhưng ngoài công kích bằng lời nói, ông chưa có biện pháp thực sự nào. Việc Mỹ trừng phạt Iran với lý do nước này phóng tên lửa hồi tháng 3 trên thực tế không phá hoại thỏa thuận hạt nhân Iran bởi vì thỏa thuận này quy định Mỹ xóa bỏ sự trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân nhưng vẫn duy trì quyền trừng phạt đối với các vấn đề khác liên quan đến Iran. Tuy việc trừng phạt không liên quan đến vấn đề hạt nhân cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt đối với thỏa thuận này, nhưng xét về tổng thể, có thể thấy cách xử lý của Mỹ là tuân thủ quy định, không nôn nóng mạo hiểm, phá hoại thỏa thuận.
Trong vấn đề Syria, quan hệ Mỹ - Nga vừa cạnh tranh vừa hợp tác, Tổng thống Trump cũng sẽ không dễ dàng phá vỡ sự cân bằng giữa hai nước trong vấn đề này.
Mặc dù có sự tiếp nối trong thay đổi nhưng theo giới quan sát, các bước đi của Tổng thống Trump tại Trung Đông vẫn không mạnh mẽ. Từ khi nhậm chức đến nay, ông Trump chưa thực sự phá bỏ khuôn khổ chính sách Trung Đông của Chính quyền Barack Obama về mặt hành động, tiếp nối lớn hơn là thay đổi. Bà Lena Khatib, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông Carnegie ở Beirut (Lebanon) cho rằng, tốc độ và mức độ điều chỉnh chính sách đối với Trung Đông của Chính quyền Donald Trump so với Chính quyền Obama không lớn như dự đoán. Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có những điều chỉnh thực chất trong vấn đề Trung Đông, có rất nhiều tuyên bố khi tranh cử chưa được thực hiện. Tuy nhiên, cùng với sự thích ứng và góc độ quan sát, chính sách ngoại giao của Mỹ ở khu vực Trung Đông sẽ có những thay đổi lớn, in đậm dấu ấn Tổng thống Trump.