Giá trị từ cây sâm truyền thống
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Di truyền nông nghiệp, một số nhóm chất chính trong mẫu củ và hoa sâm có chứa các chất gồm saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid, hàm lượng saponin của cây sâm nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc. Tuổi của cây sâm càng cao thì hàm lượng các hoạt chất này càng cao, giá trị kinh tế càng cao.
Hiện nay, người dân huyện Tân Yên coi sâm Nam như bảo vật, một gen giống quý để nâng niu, gìn giữ. Trong cuộc sống bà con cũng thường sử dụng sâm Nam để chữa các bệnh mãn tính như viêm gan, thấp khớp, gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, được xem là loại thuốc bổ. Bên cạnh đó, những búp hoa sâm tươi được sao chế cho giá trị cao, hoa sâm sấy khô được pha chế như những loại trà thảo dược có tác dụng rất tốt cho con người. Tại đây sản phẩm trải qua công nghệ sấy cao cấp và được đóng gói hút chân không trước khi bán ra thị trường mang lại giá trị kinh tế rất cao cho địa phương.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung cho biết, hiện tại HTX Liên Chung chủ yếu khai thác các sản phẩm về nụ hoa sâm núi Dành lá nhỏ, sản lượng hoa năm 2022 được mùa đạt khoảng gần 2.000 kg hoa khô, giá bán bình quân từ 1 - 1,5 triệu đồng/kg. Bên cạnh đó, sản lượng củ được thu hoạch trong năm là gần 2.000 kg và được bán dần hàng năm khoảng 500 - 1.000 kg với giá bán 2 triệu đồng/kg.
Xây dựngthương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm từ sâm Nam
Ông Thân Hải Đăng - Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ Sâm nam Núi Dành cho biết, năm 2020, ông cùng 11 thành viên trong xã Việt Lập đã đi đầu thành lập HTX để đưa hoạt động trồng, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ Sâm nam Núi Dành được quy mô, bài bản. Hiện nay, HTX có hơn 10ha trồng sâm, sản xuất 4 loại sản phẩm chính: Sâm nam Núi Dành khô; Rượu ngâm sâm; Sâm ngâm mật ong; Nụ hoa sâm khô. Trong đó, sản phẩm Sâm nam Núi Dành khô được UBND tỉnh Bắc Giang cấp chứng nhận công bố sản phẩm OCOP 4 sao.
Năm 2021, Sâm nam Núi Dành đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm Sâm nam Núi Dành khô đạt OCOP 4 sao đã tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho bà con nhân dân trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, hoạt động trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Sâm nam Núi Dành của bà con nhân dân đã ngày càng hoàn thiện hơn, chuyên nghiệp hơn, vừa phát huy được tiềm năng của địa phương, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Nhằm phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên đã có quy hoạch "Định hướng phát triển sản xuất cây dược liệu từ năm 2021 đến năm 2030", trong đó có quy hoạch phát triển cây sâm Nam núi Dành tại hai xã Liên Chung và Việt Lập.
Cùng với đó, để bảo tồn giống sâm quý và phát huy lợi thế chỉ dẫn địa lý, huyện Tân Yên sẽ sớm ban hành và thực hiện tốt quy chế quản lý bảo hộ sản phẩm sâm Nam núi Dành. Chỉ dẫn địa lý là hình thức bảo hộ cao nhất cho sản phẩm đặc thù của địa phương bao gồm: Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Ngoài những dược tính ưu việt sẵn có, chỉ dẫn địa lý sẽ làm tăng thêm thương hiệu của sâm núi Dành, góp phần quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ để sâm núi Dành sẽ là một trong số những biểu tượng nông nghiệp giá trị cao của địa phương.
Hiện nay nhiều người ở các địa phương khác như Nghệ An, Đắk Nông, Quảng Ninh…đã mua giống sâm Nam núi Dành về trồng, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Kỳ vọng sâm Nam núi Dành sẽ vươn mình, trở thành cây trồng của người Việt, đưa sản phẩm sâm Nam núi Dành là sản phẩm quốc gia, ngang tầm sâm Hàn Quốc, trở thành niềm tự hào của người dân Bắc Giang.