Theo Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, sau những bất cập trong thời gian vừa qua như vấn đề khách hàng chây ì không trả nợ, rủ nhau lên mạng xã hội lập các hội nhóm “bùng nợ” có tổ chức, đã đến lúc thị trường tài chính tiêu dùng cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn để nâng cao hiệu quả thu hồi nợ, tạo điều kiện đảm bảo cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty tài chính với các ngân hàng thương mại.
Đầu tiên là cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động cho vay tài chính. Hiện nay, với sự ra đời của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2019/TT-NHNN, hoạt động cho vay tài chính hiện đã có một khung pháp lý riêng, tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.
Cùng với đó phải liên tục theo dõi các diễn biến phát sinh của thị trường này và có những quy định kịp thời để đảm bảo quyền tự chủ của các công ty tài chính trong kinh doanh, cũng như bảo vệ quyền lợi cho các bên trong hợp đồng khi có tranh chấp xảy ra.
Cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý của nhà nước đối với hoạt động thu hồi nợ. Cụ thể là quản lý thông qua hoạt động cấp phép thành lập và hoạt động; qua thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động của các công ty tài chính.
Đồng thời, cần tăng cường chế tài để xử lý đối với các trường hợp khách hàng có hành vi cố ý không trả số tiền vay, trốn trách nghĩa vụ trả nợ hoặc công ty tài chính vi phạm về hoạt động cho vay tài chính, nhằm bảo vệ hài hòa lợi ích các bên khi ký kết hợp đồng.
Khuyến khích mô hình tài chính tiêu dùng hợp phápHiện nay trên thị trường có 16 công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, lại có rất nhiều các công ty khác hoạt động cho vay tài chính nhưng lại không chịu ràng buộc theo quy định của một tổ chức tín dụng.
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty tài chính, fintech, chuỗi cầm đồ, công ty thu hồi nợ… nhằm uốn nắn kịp thời là rất cần thiết. Dù vậy, bên cạnh điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng “tín dụng đen” bất hợp pháp, các tổ chức đòi nợ thuê “tín dụng đen”, cơ quan chức năng cũng nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cho vay hợp pháp hoạt động. Các hoạt động kiểm tra, khám xét (nếu có) theo đúng trình tự của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đồng thời, cần thông tin đến người dân về tính chất của các cuộc kiểm tra.
Về phía mình, bản thân các công ty cho vay cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu hồi nợ, rà soát, đánh giá và cải thiện bộ máy quản trị rủi ro, quản lý chặt chẽ chất lượng nhân viên thu hồi nợ, đảm bảo nhân viên nắm rõ và tuân thủ quy định của công ty và pháp luật về công tác thu hồi nợ. Đồng thời, phải tham gia đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng.
Theo Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật Sư Long Tâm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, về mặt quản lý, để kiến tạo môi trường lành mạnh cho thị trường tài chính tiêu dùng, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chia sẻ dữ liệu kết hợp với việc Bộ công an hoàn tất triển khai căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ người dân sẽ giúp cho các công ty tài chính tiêu dùng, không những có được nhiều dữ liệu chính xác trong quá trình thẩm định và duyệt tín dụng, mà còn giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến các vấn đề giả mạo thông tin cá nhân của người vay.
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động của các công ty tài chính, đặc biệt là các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động của các công ty tài chính cần phải được tăng cường hơn nữa, vấn đề minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các công ty tài chính, quy định về quản trị rủi ro của các công ty tài chính, phối hợp với các Bộ ngành đẩy mạnh giáo dục kiến thức tài chính cho những người tiêu dùng tài chính để họ nhận thức được quyền và nghĩa vụ của họ khi tham gia vào các giao dịch tài chính tiêu dùng.
Bộ Công an cần đẩy mạnh và thường xuyên dẹp bỏ các tổ chức và cá nhân núp bóng tài chính tiêu dùng chính thức để hoạt động tín dụng đen thông qua việc mạo danh, lập các website, tạo các ứng dụng cho vay có tên gây nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng chính thức để dẫn dụ hay lừa đảo người vay tài chính tiêu dùng thiếu hiểu biết sa vào bẫy nợ của tín dụng đen, từng bước thu hẹp hoạt động của tội phạm hoạt động tín dụng đen để tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính tiêu dùng chính thức phát triển một cách an toàn và lành mạnh.