Mức sinh xuống thấp, già hóa dân số đang tăng nhanh
Thời gian qua, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là việc khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua.
Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số được phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh như: Việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.
Cụ thể, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; theo vùng kinh tế - xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng. Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh vấn đề mức sinh xuống thấp, việc tốc độ gia tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm (năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái) cũng là một thách thức lớn đối với công tác dân số.
Cùng với đó, tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam cũng đang diễn ra nhanh chóng và sẽ sớm bước qua thời kỳ dân số vàng; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mang thai và sinh con ở người chưa thành niên, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống cần phải được cải thiện nhiều hơn...
Đặc biệt, tổ chức bộ máy làm công tác dân số chưa ổn định, thiếu thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn thực hiện công tác dân số
Tại sự kiện Lễ phát động Tháng Hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam năm 2024 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2024 là năm thứ 5 thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề dân số thực tiễn phát sinh đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, mặc dù gặp nhiều khó khăn, những người làm công tác dân số trên cả nước vẫn kiên trì, không chùn bước trước thử thách, luôn đoàn kết, đồng cam cộng khổ và tận tâm vì cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các ban, ngành, đoàn thể; sự hưởng ứng tích cực từ mọi tầng lớp nhân dân; cùng sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của đội ngũ làm công tác dân số ở các cấp, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó, công tác dân số năm 2024 đã được thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ công tác dân số trong thời gian tới, Bộ Y tế kêu gọi toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số tiếp tục đoàn kết, tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về công tác dân số.
Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo lồng ghép các yếu tố dân số trong các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, các ngành.
Triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, chú trọng tổ chức khám và tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn cho thanh niên, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để phòng ngừa bệnh di truyền, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về dân số và phát triển trong tình hình mới
Hiện nay, Việt Nam chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Các chuyên gia nhận định, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW trong thực tiễn, một trong những yêu cầu đề ra là nâng cao công tác tuyên truyền về công tác dân số trong tình hình mới.
Trong đó, trọng tâm vào các nội dung như: Tuyên truyền, vận động để thể hiện rõ quan điểm của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân".
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể; vận động các tầng lớp nhân dân để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ và các mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới là phải toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.
Ngoài ra, đẩy mạnh truyền thông về những vấn đề dân số tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước: Chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già là thách thức lớn cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Cùng với đó, tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; chất lượng dân số, nhất là tại vùng khó khăn còn hạn chế và một số nội dung quan trọng khác sẽ tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước cả trong hiện tại và tương lai.
Để phù hợp với công tác dân số trong tình hình mới, vừa qua, Cục Dân số đã tổ chức phát động Cuộc thi sáng tác Logo ngành Dân số nhằm chọn một Logo trong thời kỳ mới phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; thể hiện nét đặc trưng, tính khái quát cao về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân số đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và đối với phát triển bền vững của đất nước.
Theo Ban Tổ chức cuộc thi, trong tháng 12, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những tác phẩm xuất sắc và phù hợp nhất với ngành dân số để tiến hành trao giải.