Theo đó, ngành dân số đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Dân số để Báo cáo Chính phủ xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2025; báo cáo sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; hoàn thiện báo cáo rà soát quy định có liên quan đến chính sách dân số và xử lý vi phạm chính sách dân số và kiến nghị việc sửa đổi để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; báo cáo thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam và các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác dân số theo sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 15.8.2024 về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.
"Nhiều địa phương đã tham mưu, được HĐND thông qua và ban hành Nghị quyết về chính sách dân số; chính sách khen thưởng, khuyến khích, hỗ trợ cho tập thể, cá nhân và chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác dân số của địa phương. Các hoạt động chuyên môn về truyền thông - giáo dục, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã tạo sự lan tỏa tốt tới cộng đồng, người dân" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Mặc dù với sự cố gắng của cả hệ thống làm công tác dân số từ Trung ương đến địa phương, song Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng cũng chỉ ra một thực tế, ngành dân số mới chỉ hoàn thành 1/3 chỉ tiêu được giao, đó là tuổi thọ trung bình thực là 74,5 tuổi, đạt vượt chỉ tiêu kế hoạch (73,8 tuổi); 2 chỉ tiêu về tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh và tổng tỷ suất sinh không hoàn thành. Các chỉ tiêu chuyên môn mới chỉ hoàn thành 1/8 chỉ tiêu, đó là tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại.
Mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, mức sinh còn cao ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Trung du và miền núi phía Bắc (ước 2,34 con/phụ nữ) và Tây Nguyên (ước 2,24 con/phụ nữ) vẫn là 2 vùng có mức sinh cao. Với 4 vùng kinh tế xã hội còn lại có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế hoặc mức sinh thấp; trong đó, Đông Nam Bộ vẫn là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước (ước 1,48 con/phụ nữ).
Cùng với đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (ước năm 2024 là 112/100). Vấn đề về nâng cao chất lượng dân số, phát huy vai trò và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số; vấn đề truyền thông vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, nguồn lực cả Trung ương và địa phương đầu tư, bố trí cho các hoạt động của công tác dân số thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về dân số trong tình hình mới. Bộ máy tổ chức làm công tác dân số tại Trung ương cũng như địa phương có sự thay đổi... là những nguyên nhân dẫn đến 2/3 chỉ tiêu cơ bản được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tỷ số giới tính khi sinh, tổng tỷ suất sinh) và 7/8 chỉ tiêu chuyên môn năm 2024 giao cho lĩnh vực dân số đều chưa đạt theo kế hoạch đề ra...
Khẳng định năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 là năm cuối thực hiện giai đoạn 1 của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; để từng bước tìm ra các giải pháp quyết liệt cho năm 2025 và những năm tiếp theo; Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và và trình cấp có thẩm quyền ban hành các Đề án về dân số được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ; các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về Dân số và phát triển chỉ đạo các đơn vị được giao làm đầu mối đẩy mạnh việc thực hiện chương trình phối hợp về công tác dân số đã ký kết giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với Cục Dân số, tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành dự thảo Luật Dân số để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống; chủ động xây dựng 3 đề án được giao tại Nghị quyết số 68 NQ/CP ngày 9.5.2024 của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, tổ chức đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam; sơ kết, tổng kết các chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng phê duyệt để đề xuất điều chỉnh và thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030; phối hợp với các cơ quan/đơn vị liên quan trong việc bố trí nguồn lực cho công tác dân số để bảo đảm cho việc thực hiện 12 chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt...
Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện dự thảo hướng dẫn thực hiện công tác dân số năm 2025 gửi các địa phương; tập trung chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, đôn đốc hỗ trợ các tỉnh/thành phố huy động nguồn lực cũng như chuyên môn nghiệp vụ về dân số nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu về dân số theo kế hoạch đề ra năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, đối với các tỉnh, thành phố, đề nghị Sở Y tế tham mưu trình HĐND Nghị quyết về chính sách dân số, chế độ cho cán bộ làm công tác dân số; chủ động thực hiện việc sơ kết các Kế hoạch, chương trình, đề án về dân số được UBND tỉnh phê duyệt để đề xuất điều chỉnh cũng như tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030; chủ động việc đề xuất với cấp ủy đưa các chỉ tiêu về dân số vào Nghị quyết Đại hội đảng các cấp ở địa phương.
Mặt khác, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan trình UBND tỉnh, thành phố bố trí đủ nguồn kinh phí của địa phương để triển khai công tác dân số theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 820/QĐ-TTg ngày 28.5.2021 để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số đề ra. Sở Y tế cần tham mưu UBND tỉnh tiếp tục ổn định tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân số ở cấp tỉnh, huyện, xã bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền và sự quản lý chuyên môn, nghiệp vụ; chú trọng công tác đào tạo tập huấn, động viên toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác dân số phát huy tinh thần vượt khó vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, làm cho đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số và phát triển lan tỏa, thấm sâu trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc chuyển hướng chính sách dân số từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; thúc đẩy phong trào nhân dân thực hiện mỗi gia đình sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, không lựa chọn giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số về cả thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Ngoài ra, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương để triển khai các nhiệm vụ được giao; tích cực vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể và đặc biệt là việc phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo công tác Dân số và phát triển các cấp.