Theo số liệu từ Cục Dân số, Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có dân số khoảng 100,3 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 38,13%. Đất nước đang bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng với 67,7 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 67,4% tổng dân số. Đây chính là lực lượng chủ yếu tham gia vào các dòng di cư trong nước. Điều này tạo ra một sự chuyển dịch dân số mạnh mẽ, từ các vùng nông thôn đến các thành phố lớn, kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, dịch vụ y tế và an sinh xã hội.
Kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình mới nhất cho thấy, dòng di cư lớn nhất tại Việt Nam là từ thành thị đến thành thị, chiếm 44,6% tổng số các dòng di cư. Các khu vực có tỷ suất xuất cư cao nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du, miền núi phía Bắc; trong khi Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng lại thu hút lượng người nhập cư lớn, đặc biệt là các tỉnh như Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Điều đáng chú ý là tỷ lệ nữ di cư đã đạt 53,2%, cao hơn nam giới ở hầu hết các dòng di cư, ngoại trừ dòng di cư từ nông thôn đến thành thị.
Mặc dù di cư mang đến cơ hội kinh tế, giáo dục và giao lưu văn hóa, nhưng nhiều chuyên gia nhận định, điều này tạo ra không ít thách thức, đặc biệt là trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội, khiến nhóm người di cư trở nên dễ bị tổn thương hơn khi gặp phải vấn đề sức khỏe. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của phụ nữ di cư thấp hơn nhiều so với nhóm không di cư. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ mà còn kéo theo các vấn đề sức khỏe lâu dài như các bệnh lý phụ khoa hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ngoài ra, nhóm người di cư, đặc biệt là lao động không chính thức, đang phải đối mặt với môi trường sống và làm việc không an toàn. Thời gian làm việc kéo dài, điều kiện lao động khắc nghiệt và thiếu hỗ trợ từ gia đình khiến họ dễ mắc phải các bệnh nghề nghiệp, rối loạn tâm lý hoặc có lối sống không lành mạnh như sử dụng rượu bia, hút thuốc lá. Tỷ lệ sử dụng rượu bia của người di cư cao hơn so với nhóm không di cư, một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe và không phù hợp với các môi trường làm việc.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh rằng, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người di cư bị hạn chế do nhiều nguyên nhân như không có thẻ bảo hiểm y tế, thu nhập thấp và điều kiện làm việc không ổn định. Trong đó, có các giải pháp toàn diện như tăng cường giáo dục sức khỏe, củng cố mạng lưới chăm sóc xã hội, xây dựng chính sách an toàn lao động và bảo đảm điều kiện làm việc an toàn. Các chương trình khám sức khỏe định kỳ cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội và doanh nghiệp, cần được triển khai để giảm thiểu các nguy cơ bệnh tật cho người di cư.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cách tiếp cận liên ngành, với sự tham gia của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và doanh nghiệp, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho rằng, sức khỏe người di cư không chỉ là vấn đề của mỗi cá nhân mà còn là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế và cộng đồng.