- Đến ngân hàng MSB đáo hạn sổ tiết kiệm, sau nghe tư vấn, khách hàng “mua nhầm” bảo hiểm Prudential
- Người bán hoa tươi khổ sở vì muốn gửi tiết kiệm vào VIB nhưng “mua nhầm” bảo hiểm nhân thọ Prudential
- Đến ngân hàng gửi tiết kiệm, sau một năm khách hàng mới biết "mua nhầm" bảo hiểm AIA
- Khách hàng phản ánh "mua nhầm" bảo hiểm MB Ageas Life, Ngân hàng khẳng định là giao dịch "tự nguyện"
Đòi lại tiền của chính mình nhưng không được
Phản ánh về sự việc của mình, bà Dương Vân Anh (69 tuổi) trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, khoảng tháng 10 năm 2018 bà ra ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế chi nhánh Hàng Bạc gửi tiền tiết kiệm. “Tại ngân hàng, tôi được nhân viên tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ đầu tư. Khi tôi chưa hiểu hết về các nội dung trong hợp đồng nhân viên đã trừ luôn 50 triệu đồng trong số tiền tiết kiệm tôi gửi ở ngân hàng và nói đây là bảo hiểm nhân thọ đầu tư lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm bình thường, lãi suất khoảng 23%/năm. Ngoài ra, nhân viên không tư vấn gì thêm nên cứ đến hạn hàng năm tôi đến đóng cho ngân hàng 50 triệu đồng”, bà Vân Anh nhớ lại.
Đến khi con gái bà Vân Anh biết mẹ mua bảo hiểm, hai mẹ con bà mới cùng rà soát lại và “tá hoả” khi biết mua gói bảo hiểm nhân thọ của Prudential và nếu xin rút, lấy lại gốc sẽ mất một khoản tiền lớn.
“Tôi là một người phụ nữ gần 70 tuổi, không có việc làm ổn định, số tiền tôi có được là khi chồng tôi mất để lại cho tôi dưỡng già. Tôi không có đủ khả năng kiếm mỗi năm 50 triệu để đóng bảo hiểm như hợp đồng tôi đã trót ký vì không hiểu rõ thông tin”. Bà Vân Anh chia sẻ.
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, bà Vân Anh mong muốn được quay lại đúng mục đích ban đầu của mình là gửi tiền tiết kiệm theo cách truyền thống để hưởng lãi suất theo quy định.
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Diễm Hằng, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng mình là một nạn nhân khi tin lời tư vấn viên tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế để rồi “mua nhầm” bảo hiểm nhân thọ của Prudential.
Trong đơn gửi đến Báo Đại biểu Nhân dân, chị Hằng cho biết: “Đầu năm 2022, khi đến ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế gửi tiết kiệm tôi được các giao dịch viên tư vấn về việc ngân hàng đang có chương trình gửi tiền có lãi suất như gửi tiết kiệm nhưng được kèm theo quyền lợi bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bệnh tật. Tôi cũng ậm ừ cho qua chuyện và bảo các bạn ý là mình đang bận có gì nhắn tin cho chị. Sau đó các bạn ý lại mời tôi mở thẻ tín dụng. Do có nhu cầu mở thẻ để nộp học phí cho các con tôi tôi đã mở thẻ tín dụng”.
Khi mở thẻ xong sau một thời gian đến 10 giờ sáng ngày 15.3.2022, chị Hằng đến ngân hàng giao dịch, các giao dịch viên ngân hàng giới thiệu về gói đầu tư linh hoạt, nếu thanh toán qua thẻ tín dụng 100 triệu/năm sẽ được giảm 27 triệu của năm đầu tiên, sau 5-10 năm sẽ thu được cả gốc lẫn lãi lại được thêm bảo vệ sức khỏe. “Nghe tư vấn như vậy, tôi nghĩ vẫn là tiền gửi tiết kiệm lại được bảo vệ sức khỏe nên đã đồng ý”, chị Hằng nhớ lại.
Khi về đến nhà vào lúc 10 giờ 45 phút cùng ngày, chị Hằng được tư vấn viên là B.T.N kết bạn trên mạng xã hội zalo và hỏi các thông tin về sức khoẻ nhưng không tư vấn thêm gì mà làm luôn hợp đồng bảo hiểm cho tôi. Đến 13 giờ 06 phút cùng ngày hợp đồng của chị Hằng đã được làm xong.
“Khi sự việc diễn viên Ngọc Lan lên mạng xã hội nói về mua bảo hiểm gây xôn xao dư luận, tôi mới đến ngân hàng để lấy hợp đồng về đọc và tìm hiểu kỹ lại thấy rằng hợp đồng này là Bảo hiểm nhân thọ có nhiều nội dung không rõ ràng nhằm mục đích giao kết được hợp đồng thành công”, chị Hằng cho biết.
Khách hàng Hằng cho rằng, quá trình tư vấn, tư vấn viên đã tư vấn sai nội dung của hợp đồng là gửi tiết kiệm 5 năm được rút đủ gốc và lãi. (10 - 12%/năm); khai khống thông tin khách hàng, cụ thể rõ nhất là phần thu nhập 100 triệu/tháng. Trong khi đó chị Hằng là nhân viên văn phòng, thu nhập rất ít ỏi; Đánh tráo khái niệm và nội dung hợp đồng của Bảo hiểm nhân thọ thành gửi tiết kiệm dài hơi 5 năm mới được rút.
Đáng chú ý, theo chị Hằng, nhân viên Ngân Hàng không nói về 21 ngày cân nhắc có thể huỷ hợp đồng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của khách hàng.
Trường hợp của khách hàng Nguyễn Anh Vũ (trú tại Hà Nội) xảy ra vào đầu năm 2019.
Thời điểm này, anh Vũ đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Minh Khai để gửi tiết kiệm được nhân viên của ngân hàng là T.T.N, tư vấn thử dùng sản phẩm tiết kiệm mới của ngân hàng có lãi cao hơn lãi bình thường của ngân hàng.
“Do không hiểu và tin tưởng đây cũng là một loại tiết kiệm ngân hàng nên tôi đã tham gia với mức phí 35 triệu một năm. Sau đó, do có người quen biết về bảo hiểm nói, thực chất đây chính là hợp đồng bảo hiểm, và phải mất rất nhiều phí đóng vào chứ không phải lãi hơn tiết kiệm thông thường thì tôi mới hiểu, nhưng đã muộn”, anh Vũ ngậm ngùi chia sẻ.
Liên quan đến sự việc nêu trên, Báo Đại biểu Nhân dân đã liên hệ với phía ngân hàng. Hiện tại đơn vị này đang yêu cầu các bên liên quan kiểm tra để có thông tin phản hồi. Khi có thông tin, Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục cập nhật để thông tin về sự việc được sáng tỏ, khách quan, đa chiều.
Bên cạnh đó, Báo Đại biểu Nhân dân nhận được nhiều trường hợp phản ánh khi đến các ngân hàng thương mại cổ phần khác gửi tiết kiệm cũng bị tư vấn dẫn dụ mua bảo hiểm nhân thọ của Prudential. Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục phản ánh trong cái bài viết tiếp theo.
Theo anh Vũ, anh mang tiền đi, mục đích là gửi tiết kiệm, để khi cần có thể rút ra chi dùng. Như hiện tại, anh đang có con nhỏ còn đi học, mẹ đang phải nằm viện điều trị, mà không thể lấy tiền ra vì nếu rút thì sẽ gần như mất sạch.
Khách hàng Vũ cho rằng, khi tư vấn, nhân viên không hề nói đến số tiền 85%, 75%, 10%, 5% mà Prudential lấy đi trong 4 năm đầu tôi đóng vào, tương đương số tiền 61 triệu đồng. Đồng thời khi làm hợp đồng, đã khai khống tôi làm nghề buôn bán, kinh doanh tự do trong khi anh làm lập trình viên đã hơn 10 năm.
Khai không đúng thu nhập hàng tháng của anh vũ là 20 triệu đồng trong khi thu nhập thực tế là con số hoàn toàn khác; Khai sai thu nhập hàng tháng của gia đình anh là 30 triệu đồng, đây là con số sai không đúng với thực tế.
Cần trong sạch hoạt động bancassurance
Thống kê báo cáo tài chính kiểm toán của các ngân hàng thương mại cho thấy, năm 2022, kinh doanh bảo hiểm tiếp tục đem lại doanh thu lớn, ghi nhận tăng trưởng cao tại nhiều ngân hàng. Trừ đi chi phí, biên lợi nhuận của việc kinh doanh bảo hiểm của các ngân hàng đạt từ 50-60%. Những hợp đồng độc quyền bán bảo hiểm hàng chục ngàn tỷ đồng, đã mang lại nguồn lợi lớn cho các ngân hàng.
Theo các chuyên gia, thị trường bảo hiểm lâu nay vẫn được xem là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của thị trường tài chính, cùng với ngân hàng và thị trường chứng khoán, có vai trò huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, khi lòng tin của người dân bị suy giảm ngành bảo hiểm khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí 15% trong năm 2023 như đã đề ra. Doanh thu lĩnh vực bancassurance trong năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc suy giảm niềm tin, qua đó có thể làm chậm lại tăng trưởng của các kênh bán bảo hiểm khác. Điều này sẽ gây tác động không nhỏ đến các ngân hàng có nguồn thu lớn thừ kinh doanh bảo hiểm.
Nói cách khác, nếu mối quan hệ bảo hiểm - ngân hàng bất ổn có thể gây xáo trộn thị trường tài chính, dẫn đến sự suy yếu của cả nền kinh tế. Từ đây, cũng đặt ra trách nhiệm của các cơ quan quản lý đối với hoạt động bancassurance trong vai trò là giúp duy trì sự phát triển ổn định cho thị trường bảo hiểm - ngân hàng, góp phần duy trì sự ổn định, lành mạnh của thị trường tài chính.
Bảo hiểm Prudential đang được bán qua các ngân hàng nào?
Tại Việt Nam, Prudential là doanh nghiệp đầu tiên đưa mô hình bảo hiểm phân phối qua kênh hợp tác ngân hàng (bancassurance) vào hoạt động. Tính đến năm 2022, kênh Bancassurance của Prudential Việt Nam đã có 20 năm hoạt động, luôn dẫn đầu thị trường phân phối bảo hiểm qua kênh này với mức tăng trưởng tốt qua từng năm. Đến nay, Prudential Việt Nam có quan hệ hợp tác đồng thời với 7 ngân hàng gồm Standard Chartered Bank, MSB, PVcomBank, VIB, UOB, Shinhan Bank và SeABank.