Trao đổi trong cuộc làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chiều 19.7, GS.TS. Thái Văn Thành cho rằng, có thể miễn/giảm học phí trước đối với học sinh THCS ở miền núi, vùng khó khăn, sau đó đến học sinh ở miền xuôi, thành phố, vùng thuận lợi. "Miễn toàn bộ học phí ngay với 100% học sinh THCS trên cả nước là rất khó, nên theo tinh thần giảm dần từng bước, cuối cùng về bằng 0”.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4.7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022 - 2023. Trước đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động. Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.
Cơ sở vật chất cơ bản bảo đảm việc dạy và học
Báo cáo Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về tình hình thực hiện chính sách pháp luật lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định, những năm qua, thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh, quy mô hệ thống trường lớp đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đến trường của học sinh và nhu cầu học tập của nhân dân.
Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 547 trường mầm non, 496 trường tiểu học, 399 trường THCS, 90 trường THPT; 21 trung tâm GDTX (trong đó có 19 trung tâm GDTX vừa sáp nhập với Trung tâm Dạy nghề cấp huyện); có 2/6 trường Đại học, 7/9 trường Cao đẳng và 14 trường trung cấp nghề nghiệp trực thuộc tỉnh và 460 trung tâm học tập cộng đồng phường, xã.
Thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát cơ sở vật chất hiện có, xác định trọng tâm ưu tiên đầu tư, bổ sung để tham mưu, đề xuất kế hoạch xây dựng, bổ sung; tôn tạo, nâng cấp, mở rộng diện tích khuôn viên nhà trường bảo đảm phục vụ cho dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục. Việc mua sắm thiết bị thực hiện cuốn chiếu theo đúng lộ trình, không mua sắm dồn dập cùng một lúc, gây khó khăn và lãng phí.
Tính từ năm 2017 đến nay ở các cấp học đã cải tạo, xây dựng tăng phòng học kiên cố. Cụ thể: Mầm non tăng 1.866 phòng học kiên cố (tăng tỷ lệ phòng học kiên cố từ 59,39% lên 75,70%); Tiểu học tăng 1.440 phòng (từ 66,16% lên 76,16%); THCS tăng 146 phòng (từ 83,99% lên 89,47%); THPT tăng 69 phòng (từ 95,38% lên 96,64%).
Hàng năm, từ các nguồn NSNN tỉnh và xã hội hóa, các trường tập trung mua sắm thêm đồ dùng dạy học, thiết bị, hóa chất phục vụ thực hành, thí nghiệm… cơ bản bảo đảm việc dạy và học.
Sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Về đội ngũ, tính đến 30.8.2021, tổng số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp ngành Giáo dục - Đào tạo Nghệ An là 45.993 người, trong đó 3.456 cán bộ quản lý, 38.806 giáo viên và 3.731 nhân viên. Cấp mầm non 12.581 người, tỷ lệ giáo viên/lớp, nhóm trẻ trung bình 1,78, so với định mức quy định (2,5 giáo viên/nhóm trẻ; 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo) thì còn thiếu 3.366 giáo viên; so với định mức biên chế còn thiếu 5.398 giáo viên.
Cấp Tiểu học 15.514 người, tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình 1,3, so với định mức quy định (1,5 giáo viên/lớp) thì thiếu 2.297 giáo viên. Cấp THCS 12.236 người, tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình 1,8, so với định mức quy định (1,9 giáo viên/lớp và Tổng phụ trách Đội) thì thiếu 301 giáo viên; nếu theo định mức của UBND tỉnh thì thừa 574 giáo viên. Cấp THPT có 5.662 biên chế, tỷ lệ 2,23 giáo viên/lớp, đủ giáo viên so với UBND tỉnh giao; nếu theo quy định của Bộ thì còn thiếu 48 biên chế.
Năm học 2021 - 2022, Nghệ An thiếu hơn 8.000 giáo viên các cấp học. Trong khi đó, mỗi năm tỉnh tăng trung bình 10.000 học sinh. Vì thế, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.