Sẽ thiếu hụt khoảng 4.350MW
Chia sẻ về tình hình cung ứng điện vào chiều 7.6, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương Trần Việt Hòa cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các bộ, cơ quan có liên quan đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp cấp bách nhưng đến nay đã xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm cung ứng đủ điện trọng thời gian tới, đặc biệt là ở miền Bắc vốn có đặc trưng là nguồn thủy điện chiếm tới 43,6%.
Cụ thể, tính đến ngày 6.6, hầu hết các hồ thủy điện lớn ở miền Bắc gồm Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà đã về mực nước chết, trong đó hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12 - 13.6. Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc sẽ ở mức 5.000MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp.
Về nguồn nhiệt điện, dù các nhà máy đã đủ nhiên liệu vận hành với công suất huy động cao song do thời tiết nắng nóng, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị. Ngoài ra, nhiều tổ máy nhiệt điện than bị sự cố dài ngày (Vũng Áng 1 tổ, Phả Lại 1 tổ, Cẩm Phả 1 tổ, Nghi Sơn 2 có 1 tổ). Điển hình là ngày 1.6, tổng công suất không huy động được từ các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc bị sự cố và suy giảm công suất lên đến 1.030MW. Tính đến ngày 6.6, nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934MW, chiếm 76,6% công suất lắp.
Khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500MW - 2.700MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Như vậy, tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Điều này đồng nghĩa, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
Tập trung cao độ cho giải pháp tiết kiệm điện
Trước tình hình có khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, trong những ngày vừa qua, EVN đã phải điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc. Riêng ngày 5.6, tổng công suất phụ tải tiết giảm là 3.609MW lúc 16h30, trong đó tiết giảm phụ tải công nghiệp lớn nhất khoảng 1.423MW, tiết giảm phụ tải sinh hoạt lớn nhất là 1.264MW.
Khẳng định “việc để thiếu điện cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm không thể biện minh của các cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện”, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực gửi lời xin lỗi đến nhân dân, doanh nghiệp và đề nghị có sự chung tay của toàn xã hội để vượt qua khó khăn. “Đây là lúc phải dồn lực để có giải pháp khả thi”, ông Hòa nói.
Về các giải pháp trước mắt, Bộ Công thương yêu cầu EVN tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện. Cụ thể, duy trì độ sẵn sàng các nhà máy, tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể; vận hành hệ thống điện hợp lý, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thủy điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt; đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ sẽ tăng cường huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành; đến nay đã huy động 18 nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất 1.115,62MW (bao gồm các nhà máy vận hành thử nghiệm và vận hành thương mại). Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6 này.
Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6.6.2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, ngay trưa ngày 7.6, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị triển khai thực hiện.
Nhiều nước châu Á cũng thiếu điện do nắng nóng kỷ lục
Theo Bộ Công thương, không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á cũng đang thiếu điện trong nắng nóng kỷ lục. Điển hình như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, thậm chí cả Trung Quốc cũng đang phải chủ động cắt điện luân phiên hoặc giới hạn cung ứng điện cho sản xuất để bảo đảm nguồn cung.
Riêng ở Vân Nam - Trung Quốc (là tỉnh có nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng 72% tổng công suất), nắng nóng khô hạn đã dẫn đến thiếu nguồn; do đó tỉnh này đã phải áp dụng chế độ phân bổ điện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm cũng như áp dụng các biện pháp chặt chẽ để kiểm soát điện năng tiêu thụ.