Mục đích chính của việc thành lập JTF là nhằm giải quyết những lo ngại của Indonesia và Malaysia liên quan đến việc thực hiện EUDR. Lực lượng đặc nhiệm có nhiệm xác định các giải pháp và cách tiếp cận thực tế có liên quan đến việc áp dụng quy định này.
Thiết lập đối thoại và hiểu biết lẫn nhau
Theo tờ New Straits Times của Malaysia, JTF đã có cuộc họp đầu tiên tại Jakarta và ba bên đồng ý về các điều khoản tham chiếu liên quan đến quy định về chống phá rừng, bao gồm các vấn đề như truy xuất nguồn gốc từ nhà sản xuất đến nhà cung cấp cuối cùng, dữ liệu khoa học tình trạng phá rừng và suy thoái rừng, và bảo vệ dữ liệu.
Tại sự kiện này, cơ quan đặc biệt chung cũng chia sẻ thông tin về việc triển khai các chương trình dầu cọ bền vững của Indonesia và Malaysia cũng như các công cụ truy xuất nguồn gốc hiện có. Cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11.
JTF, trong một tuyên bố, cho biết họ sẽ thiết lập một cuộc đối thoại và các quy trình làm việc có liên quan, do chính phủ làm chủ trì, để xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau về việc thực hiện quy định và các khía cạnh cốt lõi của EUDR, bao gồm cả việc đánh giá các tiêu chuẩn.
Tuyên bố cho biết JTF là một nền tảng hoạt động như một cơ chế tham vấn nhằm hỗ trợ điều phối và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Indonesia, Malaysia và Liên minh châu Âu. Nhóm làm việc sẽ kết thúc công việc của mình vào cuối năm 2024, và khả năng được gia hạn theo thỏa thuận chung.
Tăng cường hiểu biết và đồng thuận về EUDR
EUDR đã được Ủy ban châu Âu đưa ra năm 2022 và được Nghị viện EU chính thức thông qua vào tháng 7 vừa qua để giảm bớt tác động của nhu cầu thị trường đối với nạn phá rừng và suy thoái rừng toàn cầu. Theo quy định này, tất cả các nhà xuất khẩu được yêu cầu xác minh rằng các sản phẩm của họ không được thu được thông qua phá rừng hoặc từ các đồn điền được thiết lập bằng cách phát quang các khu vực rừng. Bất kỳ bên đối tác nào vi phạm quy định này có thể sẽ bị phạt tiền.
Đối tượng điều chỉnh của EUDR bao gồm nhiều loại hàng hóa, bao gồm dầu cọ, gia súc, gỗ, cà phê, ca cao, cao su và đậu nành. Quy định này cũng áp dụng cho các sản phẩm có nguồn gốc như sôcôla, đồ nội thất và giấy in.
Theo Nikkei Asia, tất cả các công ty tham gia vào việc buôn bán các sản phẩm này và các sản phẩm phái sinh phải tuân thủ các yêu cầu thẩm định nghiêm ngặt khi xuất khẩu hoặc bán hàng trong EU - các yêu cầu bao gồm cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc và định vị địa lý.
Mối lo ngại của Indonesia và Malaysia
Quy định của EU đã vấp phải sự chỉ trích lớn từ phía các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn bao gồm Indonesia và Malaysia, hai nước ngày gọi đây là những quy định bất công.
Trong một tuyên bố ngày 17.5 tại một cuộc họp báo chung sau Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 của Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ (CPOPC) tại Kuala Lumpur, Phó Thủ tướng Malaysia Fadillah Yusof đã có những động thái phản đối. Ông cho biết các nông dân nhỏ của nước này và gia đình của họ phụ thuộc vào xuất khẩu dầu cọ, cao su và các mặt hàng nông sản khác.
Do đó với các quy định mới này, EU sẽ đặt ra một trở ngại đối với những người nông dân nhỏ đang tìm cách tiếp cận thị trường châu Âu và từ đó có khả năng làm giảm thu nhập hộ gia đình, tăng nghèo đói và gây hại cho các cộng đồng nông thôn. Ông khẳng định: “Bất kỳ động thái nào từ phía EU mà không đàm phán hoặc không có sự tham gia của chúng tôi chắc chắn sẽ tác động tới các hộ sản xuất nhỏ”.
Trong khi đó về phía Indonesia, Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề Kinh tế Airlangga Hartarto chỉ trích rằng EU “Không thể áp đặt các tiêu chuẩn của mình và không thể nói rằng tiêu chuẩn của mình cao hơn các nước khác”. Chính phủ lo ngại rằng chính sách này có thể ảnh hưởng xấu đến các sản phẩm quốc gia, bao gồm cà phê, dầu cọ, hạt tiêu, ca cao và cao su. Những sản phẩm này chiếm một phần đáng kể trong xuất khẩu từ Indonesia sang châu Âu.
Bằng việc thành lập JTF, ba bên hy vọng rằng có thể tạo điều kiện đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, dẫn đến các giải pháp thiết thực để thực hiện quy định. JTF đóng vai trò là nền tảng để giải quyết các mối quan ngại của Indonesia và Malaysia, cung cấp phương tiện để hướng tới các giải pháp bền vững cho việc áp dụng EUDR.