Malaysia sẽ phải chứng tỏ nỗ lực rõ ràng hơn trong giảm thiểu phát thải bởi quốc gia này chiếm 5% dân số Đông Nam Á nhưng thải ra 15% lượng khí thải carbon của khu vực, một tỷ lệ tương đối cao tính trên đầu người. Thúc đẩy một nền kinh tế tăng trưởng sạch hơn cũng góp phần cải thiện môi trường đầu tư, chẳng hạn như đầu tư xanh đang thu hút sự quan tâm của nước ngoài, đặc biệt là năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, trong đó có Malaysia.
Cần thiết cho tăng trưởng
Malaysia đã phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế nhằm phù hợp với mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 (so với mức năm 2005). Những nỗ lực về khí hậu giờ được xem là rất cần thiết để tăng trưởng bền vững.
Theo một nghiên cứu, Đông Nam Á có thể mất 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2100 do năng suất lao động giảm, thiên tai gia tăng và thiệt hại về nông nghiệp do “phát thải cao”. Do đó, việc thực hiện các chính sách và đầu tư về khí hậu hay quá trình khử carbon, sẽ mang lại lợi ích xã hội trong việc ngăn chặn những thảm họa kinh tế như vậy.
Việc khử carbon trong nền kinh tế cũng kéo theo một chi phí xã hội, ngay cả khi chi phí đó được ước tính nhỏ hơn nhiều so với lợi ích xã hội. Tuy nhiên, chính sách công phải quan tâm đúng mức đến các tác động xã hội bất lợi, chẳng hạn như khả năng mất việc của hơn 40.000 công nhân hiện đang làm việc trong các ngành dầu khí, hóa chất, cao su và nhựa của Malaysia khi các ngành này bị thu hẹp quy mô hoặc thậm chí bị loại bỏ. Hơn nữa, các chính sách kinh tế cũng phải cung cấp mạng lưới đào tạo và an toàn cho người lao động trong quá trình chuyển đổi, đồng thời nhấn mạnh cơ hội việc làm trong các ngành công nghiệp xanh mới có quy mô lớn như năng lượng tái tạo.
Khoảng 92% sản lượng năng lượng ở Malaysia dựa trên nhiên liệu hóa thạch là than, dầu và khí đốt. Sản xuất năng lượng, bao gồm điện và nhiệt, có liên quan đến gần 50% lượng khí thải carbon; vận tải với 29% (so với mức trung bình toàn cầu là 25%)...
Việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện là trọng tâm trong cam kết không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050 của Malaysia. Các kế hoạch 5 năm gần đây đã đề cao tính bền vững về môi trường, bao gồm Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia (2023 - 2050); chính sách năng lượng quốc gia (2022 - 2040); quy hoạch tổng thể công nghệ xanh (2017 - 2030); cơ chế biểu giá điện cấp vào được giới thiệu trong 2015 và Đạo luật Năng lượng tái tạo năm 2011.
Cách tiếp cận ba chiều
Theo các chuyên gia, cách tiếp cận theo 3 hướng bao gồm các biện pháp khuyến khích, đầu tư và thể chế sẽ giúp Malaysia đạt được các mục tiêu dự kiến trong các kế hoạch này.
Đầu tiên, các chính sách quản lý trong công nghiệp và giao thông vận tải cần mang lại ưu đãi nhiều hơn cho năng lượng ít carbon thấp. Thông qua các chiến lược định giá có lợi cho năng lượng sạch, các tín hiệu thị trường có thể thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn cung cấp năng lượng tái tạo. Quá trình triển khai và mở rộng biểu giá điện xanh được ban hành vào năm 2023 là một bước đi đúng hướng, bên cạnh biểu giá ưu đãi cho phép mua năng lượng tái tạo từ lưới điện với tỷ lệ thuận lợi.
Loại bỏ hoàn toàn trợ cấp nhiên liệu cũng sẽ làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Malaysia đứng thứ 20 trong số 25 nước trợ cấp nhiên liệu lớn. Nước này vẫn đang trợ cấp khí đốt hóa lỏng, khí đốt tự nhiên và điện sinh hoạt, nhưng dự kiến sẽ cắt giảm trợ cấp xăng dầu trong năm nay để giảm thâm hụt tài chính. Thêm vào đó, những quy định về thị trường năng lượng tái tạo cũng có thể sẽ được bãi bỏ nhằm tạo ra nhiều sự lựa chọn và cạnh tranh hơn. Ví dụ, cho phép bên thứ ba trực tiếp lắp đặt các tấm pin mặt trời trong nước và bán năng lượng trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ làm cho các chương trình tái tạo trở nên hấp dẫn hơn. Theo ghi nhận của chính quyền, các nhà thầu tư nhân sẽ có động lực thuê mái nhà của các hộ gia đình để lắp đặt các tấm pin mặt trời nếu họ có thể cung cấp cho lưới điện và nhờ đó kiếm thêm doanh thu.
Thứ hai, Malaysia nên theo đuổi tiềm năng đầu tư xanh to lớn vào xe điện (EV), bao gồm cả xe máy và các ngành công nghiệp dựa trên hydro. Malaysia có thể trở thành quốc gia dẫn đầu về đổi mới, chẳng hạn như trong việc sử dụng công nghệ hoán đổi pin trong xe điện để cắt giảm thời gian sạc lại và cải thiện tuổi thọ pin. Các biện pháp khuyến khích áp dụng xe điện như miễn thuế đường bộ và miễn thuế cá nhân liên quan đến chi phí xe điện. Các chuyên gia nhận định rằng, cuộc cách mạng xe điện chính là chìa khóa cho mục tiêu năm 2030 của Malaysia, nhằm giảm cường độ carbon xuống 45% so với mức năm 2005.
Bên cạnh đó, một bước đột phá về hydro sẽ mang lại hy vọng lớn nhất cho công nghệ tái tạo. Hydro xanh là nguồn năng lượng sạch thay thế có thể tạo ra nhiệt lượng cực lớn đồng thời tạo ra nước dưới dạng sản phẩm phụ. Tuy nhiên, thương mại hóa hydro đang phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là do chi phí sản xuất hydro cao. Tuy nhiên, loại năng lượng này đang ngày càng được sử dụng nhiều trong hóa chất, sản xuất sợi dệt, thủy tinh, điện tử và luyện kim.
Malaysia có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này. Các dự án như H2ornbill và H2biscus, với sự hợp tác tương ứng của các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc, đã đạt được những bước tiến trong các ngành công nghiệp dựa trên hydro và định hướng xuất khẩu.
Thứ ba, Malaysia cần tăng cường hỗ trợ về thể chế và tài chính. Một số lĩnh vực chính bao gồm các chương trình giáo dục và tài trợ để trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng cần thiết phục vụ nền kinh tế ít carbon, cũng như các mô hình tài chính, khuyến khích và tài trợ cho việc áp dụng công nghệ xanh và R&D công nghệ xanh. Malaysia cần các tiêu chuẩn và quy định rõ ràng hơn trong các thị trường tái tạo và giám sát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư xanh để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Chính phủ cũng có thể giải quyết việc xây dựng hệ thống phân loại xanh mà các ngân hàng địa phương cho rằng sẽ có giá trị trong việc thiết lập các tiêu chí phê duyệt các khoản vay xanh.
Cuối cùng, việc nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dữ liệu sẽ rất quan trọng cho việc phân tích, giám sát, đánh giá chính sách và cải cách trong tương lai. Với sự phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch, Malaysia phải đối mặt với con đường khó khăn nhưng cần thiết để khử carbon. Dù vậy, quốc gia này vẫn có những lợi thế nhất định trong khai thác các cơ hội công nghệ mới nổi nhằm tăng trưởng lượng carbon thấp trong công nghiệp và giao thông.
Trong tương lai, Malaysia phải mạnh dạn và nhanh chóng thúc đẩy đầu tư xanh để có thể theo đuổi các mục tiêu giảm lượng carbon của mình.