Dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan, Cơ quan Thương vụ cho biết, Chính phủ Indonesia tái khẳng định cam kết bảo vệ ngành dệt may trong nước trước làn sóng hàng nhập khẩu dệt may tràn ngập thị trường nội địa, gây sức ép lớn lên ngành dệt may và khiến lực lượng lao động ngành này bị sa thải hàng loạt.
Tổng thống Joko Widodo đã chuẩn thuận chính sách bảo vệ ngành dệt may. Theo đó, sẽ có ít nhất hai biện pháp sẽ áp dụng, gồm áp thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ; các mức thuế tự vệ có thể từ mức 100 - 200%.
Đáng chú ý, ngoài nhóm hàng dệt may, Chính phủ Indonesia cũng cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các nhóm hàng khác như hàng điện tử, giày dép, gạch ốp lát và mỹ phẩm.
Theo Cơ quan Thương vụ, các biện pháp phòng vệ sẽ nhanh chóng được ban hành. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia tuyên bố bộ này sẽ ban hành quyết định áp thuế ngay sau khi có thông báo đồng thuận của Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp.
Mặc dù thông báo của Bộ trưởng Thương mại Indonesia không chỉ rõ đích danh hàng nhập khẩu từ nước nào sẽ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, song các phương tiện truyền thông, hiệp hội ngành hàng có liên quan của nước này đều đồng loạt lên tiếng chỉ rõ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường là nguyên nhân chủ đạo.
Dẫn số liệu của Hiệp hội Dệt Indonesia, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, thị trường nội địa nước này hiện không chỉ tràn nhập hàng Trung Quốc mà sản phẩm dệt may từ các nước khác có sự gia tăng trong quý I vừa qua, như Brazil tăng 96,35%; Việt Nam tăng 4,85%; Malaysia tăng 3,79%; Singapore 25,19%. Dự kiến, quý II.2024 còn gia tăng hơn nữa do sản xuất trong nước đang giảm.
“Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia cũng lên tiếng cần bảo vệ ngành dệt may. Đã có các biểu tình của công nhân ngành dệt may tại Jakarta ngày 3.7.2024 với một trong các yêu sách chính là phải thu hồi Quyết định số 08/2024 ngày 17.5.2024 (Quy định nới lỏng nhập khẩu hàng hóa) và cho Chính phủ thời hạn 07 ngày để xem xét quyết định nếu không sẽ tiếp tục có các cuộc biểu tình lớn của công nhân ngành dệt may”, Cơ quan Thương vụ thông tin.
Việc Indonesia dự kiến áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các ngành dệt may, giày dép, hàng điện tử sẽ có tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, bởi lẽ đây đều là những mặt hàng xuất khẩu chính, rất quan trọng của Việt Nam sang thị trường này.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này là 1,5 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia (trong đó, dệt may và nguyên liệu là 798,5 triệu USD, chiếm 15,7%; giày dép là 100 triệu USD, chiếm 2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 233,6 triệu USD, chiếm 5%; điện thoại đi động 368 triệu USD, chiếm 7,3%).
Trên thực tế, các nhóm hàng này của Indonesia có lợi thế cạnh tranh so sánh thấp hơn các sản phẩm cùng loại đến từ các trung tâm sản xuất khác như Trung Quốc, Việt Nam, Maylaysia (hàng điện tử). Do đó, nước này dự kiến áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có khả năng không chỉ đối với sản phẩm của Trung Quốc mà còn có khả năng rất cao bao gồm sản phẩm xuất khẩu từ nước khác, trong đó có Việt Nam, đặc biệt khi nước này sử dụng biện pháp tự vệ thương mại toàn cầu, Cơ quan Thương vụ cảnh báo.
Đặc biệt, theo Cơ quan Thương vụ, để bảo vệ sản xuất trong nước, ngoài việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhiều khả năng Indonesia cũng sẽ thắt chặt trở lại kiểm soát nhập khẩu đối với các nhóm hàng này.
Trong bối cảnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia lưu ý các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu thuộc các nhóm hàng liên quan cần theo dõi sát thị trường, tham vấn các đơn vị hữu quan của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia để có những giải pháp ứng phó trong trường hợp nước này áp dụng các biện pháp phòng vệ có liên quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.