Vẫn thiếu hành lang pháp lý
Ngày 12.8.2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg về Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (Quyết định số 999), trong đó xác định mục tiêu nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống cũng như quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số. Quan điểm trong Đề án là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới; không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, do đây không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế.
Về bản chất, kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số (Internet), qua đó tiết kiệm được chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Tại Việt Nam, đã xuất hiện một số loại hình kinh tế chia sẻ như dịch vụ vận tải trực tuyến (Grab, dichung…), dịch vụ chia sẻ phòng (cơ sở Airbnb), dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngân hàng, du lịch (Triip.me), hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding)…
Nhìn lại 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 999, tại hội thảo "Mô hình kinh tế chia sẻ - hiện trạng và đề xuất kiến nghị", do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức, Phó Viện trưởng CIEM Lương Văn Khôi đánh giá, kinh tế chia sẻ vẫn chưa phát triển mạnh, song tiềm năng phát triển vẫn rất lớn. Có nhiều nguyên nhân khiến kinh tế chia sẻ chưa thể phát triển mạnh. Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam Nguyễn Bình Minh cho rằng, hiện các doanh nghiệp và cả người dân đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số, như thiếu kỹ năng và nhân lực, thiếu các nền tảng công nghệ cho quá trình chuyển đổi. Đáng chú ý, mặc dù cộng đồng người tiêu dùng trong kinh tế chia sẻ tăng nhanh, nhưng lại thiếu định hướng lành mạnh số. Bên cạnh đó, người tiêu dùng tăng nhanh đặt ra yêu cầu về những mô hình dịch vụ trực tuyến mới, song thiếu nguồn nhân lực có chất lượng nên chưa kịp đáp ứng nhu cầu thực tiễn…
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng chỉ ra những bất cập trong kinh doanh vận tải theo mô hình kinh tế chia sẻ; theo đó, phương châm ban đầu của mô hình này là thu hút các cá nhân có xe nhàn rỗi tham gia hoạt động vận tải, nhưng sau này do thiếu quản lý chặt chẽ dẫn đến việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông, thời gian lái xe hoàn toàn phụ thuộc tính tự giác của tài xế; nhóm lao động này dù phải đối mặt cường độ làm việc cao song hầu hết không được người sử dụng lao động đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Đáng chú ý, theo ông Hùng, hiện Bộ Giao thông Vận tải quản lý về hoạt động kinh doanh vận tải, còn Bộ Công thương quản lý về thương mại điện tử nên chưa có sự phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý đối với các công ty công nghệ. Bởi chưa định danh rõ ràng được loại hình kinh doanh của các hãng công nghệ dẫn đến các doanh nghiệp này lấn san sang kinh doanh vận tải nhưng không chịu ràng buộc về các điều kiện kinh doanh vận tải. Ngoài ra, các hoạt động vận tải thực hiện thông qua nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo dù hoạt động rầm rộ nhưng vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể để quản lý…
Chia sẻ với ý kiến của đại diện doanh nghiệp, TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong phát triển mô hình kinh tế chia sẻ là sự lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước trong việc định danh, xác định bản chất pháp lý của ngành, nghề kinh doanh của công ty cung cấp dịch vụ nền tảng kết nối.

Tập trung hạn chế rủi ro
Xu thế phát triển khoa học công nghệ 4.0 ngày càng mạnh mẽ sẽ thúc đẩy sự đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp và nảy sinh nhu cầu chia sẻ nguồn lực để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cần phải tập trung tháo gỡ, hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế chia sẻ phát triển.
TS. Lưu Hương Ly đề xuất, việc điều chỉnh pháp luật cần tập trung vào xử lý, hạn chế rủi ro đối với người lao động, người tiêu dùng khi tham gia mô hình kinh tế chia sẻ; rủi ro biến tướng “tín dụng đen” của các mô hình cho vay ngang hàng; rủi ro xâm phạm dữ liệu cá nhân… trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Còn theo ông Nguyễn Công Hùng, cơ quan quản lý nhà nước cần xác định rõ hơn các đối tượng đang kinh doanh và bản chất hoạt động để có định nghĩa rõ ràng về loại hình kinh doanh vận tải theo mô hình kinh tế chia sẻ, tránh tình trạng như các năm vừa qua tồn tại hai loại hình là taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ mặc dù bản chất hoạt động đều là taxi. Cùng với đó, cần định danh chính xác mô hình hoạt động của các công ty công nghệ khi đã tham gia vào hoạt động vận tải thì trở thành các doanh nghiệp vận tải, vì vậy phải đáp ứng các yêu cầu của thương mại điện tử lẫn các điều kiện về kinh doanh vận tải.
Mặt khác, cần kiểm soát chặt chẽ các mô hình vận tải lợi dụng kinh tế chia sẻ để hoạt động trái phép như xe ghép, đi chung, tiện chuyến nhằm tạo sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh; cụ thể hơn nữa khái niệm, định nghĩa của mô hình kinh tế chia sẻ, cụ thể những cái gì của người dân, doanh nghiệp dùng không hết thì chia sẻ, những loại hình chia sẻ như bất động sản, nhà ở không hết thì cho thuê...
Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế chia sẻ theo hướng bền vững, ông Nguyễn Bình Minh lưu ý, cần đào tạo kiến thức về thương mại điện tử bền vững cho doanh nghiệp và người dân; phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh số theo định hướng lành mạnh số; bảo đảm kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử.