Nhưng đến khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa được ban hành để đáp ứng mục đích: đưa người lao động bị mất việc làm sớm quay lại thị trường lao động và hỗ trợ người thất nghiệp trong thời gian tìm việc làm mới. Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chế độ này được thực hiện từ năm 2009. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội mới chỉ hỗ trợ cho người lao động bị thất nghiệp mà chưa hỗ trợ cho doanh nghiệp để duy trì việc làm nhằm ngăn ngừa hạn chế thất nghiệp.
Tôi tán thành với phân tích như Tờ trình của Chính phủ cho rằng mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp khác biệt so với bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm ngắn hạn. Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho người lao động thất nghiệp để sớm tìm được việc làm; đồng thời hỗ trợ bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong thời gian thất nghiệp. Còn bảo hiểm xã hội, trong đó trụ cột chính sách là bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm dài hạn với mục tiêu chính là bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi về hưu. Vì vậy, việc chuyển chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang dự án Luật Việc làm sẽ không làm thay đổi mô hình tổ chức, không làm xáo trộn về hoạt động quản lý quỹ cũng như việc triển khai thực hiện chính sách này.
Trong dự thảo Luật Việc làm mở rộng phạm vi áp dụng đối với bảo hiểm thất nghiệp, đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động. Về vấn đề này có 2 loại ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến đề nghị không nên mở rộng phạm vi áp dụng cho đối tượng người lao động không có quan hệ lao động. Nhưng tôi nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết nhằm mục tiêu về an sinh xã hội. Vì hiện nay có khoảng 67% lực lượng lao động không có quan hệ lao động. Do vậy, cần có những biện pháp để thu hút lao động thuộc nhóm này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển.