Văn bản từng gây nhiều tranh cãi này vừa được EP thông qua ngày 27.2 với 329 phiếu ủng hộ, 275 phiếu chống và 24 phiếu trắng. Tiếp theo, đạo luật quan trọng này sẽ phải được Hội đồng châu Âu "bật đèn xanh" trước khi được công bố trên Tạp chí chính thức của EU và có hiệu lực 20 ngày sau đó.
Phấn đấu đạt được các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học
Luật Phục hồi thiên nhiên của EU sẽ khôi phục các hệ sinh thái bị suy thoái ở tất cả các quốc gia thành viên, giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học cũng như tăng cường an ninh lương thực ở liên minh lá cờ xanh.
Để đạt được các mục tiêu chung của khối, các quốc gia thành viên phải khôi phục ít nhất 30% môi trường sống được quy định trong luật mới (từ rừng, đồng cỏ và vùng đất ngập nước đến sông, hồ và lòng san hô) từ tình trạng kém sang tình trạng tốt vào năm 2030, tăng lên 60 % vào năm 2040 và 90% vào năm 2050. Phù hợp với quan điểm của Nghị viện, các nước EU nên ưu tiên cho các khu vực Natura 2000 cho đến năm 2030 (Natura 2000 là mạng lưới sinh thái bao gồm các khu vực quan trọng đối với việc bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng và các kiểu sinh cảnh của EU). Khi ở trong tình trạng tốt, các nước EU sẽ bảo đảm khu vực này không bị suy thoái đáng kể. Các quốc gia thành viên cũng sẽ phải thông qua các kế hoạch khôi phục quốc gia nêu chi tiết cách họ dự định đạt được các mục tiêu này.
Cải thiện các hệ sinh thái
Để cải thiện đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp, các nước EU sẽ phải đạt được tiến bộ ở 2 trong 3 chỉ số sau: chỉ số bướm đồng cỏ; tỷ lệ đất nông nghiệp có đặc điểm cảnh quan đa dạng cao; trữ lượng cacbon hữu cơ trong đất khoáng trồng trọt. Các biện pháp nhằm tăng chỉ số chim chóc trên đất nông nghiệp chung cũng phải được thực hiện vì chim chóc là chỉ số tốt về tình trạng đa dạng sinh học nói chung.
Vì khôi phục đất than bùn đã thoát nước là một trong những cách hiệu quả nhất về mặt chi phí để giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp, nên các nước EU phải khôi phục ít nhất 30% diện tích đất than bùn đã thoát nước vào năm 2030 (ít nhất 1/4 sẽ được làm ẩm lại), 40% vào năm 2040 và 50% vào năm 2050 (trong đó ít nhất 1/3 sẽ được làm ẩm lại).
Luật cũng đưa ra quy định "phanh khẩn cấp", theo yêu cầu của Nghị viện châu Âu, do đó, các mục tiêu về hệ sinh thái nông nghiệp có thể bị đình chỉ trong những trường hợp đặc biệt, nếu chúng làm giảm nghiêm trọng diện tích đất cần thiết để sản xuất đủ lương thực cho tiêu dùng của EU.
Luật yêu cầu tạo ra xu hướng tích cực ở một vài chỉ số trong hệ sinh thái rừng và trồng thêm 3 tỷ cây xanh. Các quốc gia thành viên cũng sẽ phải khôi phục ít nhất 25.000 km sông thành sông chảy tự do, đồng thời bảo đảm không có tổn thất ròng về tổng diện tích không gian xanh đô thị và độ che phủ tán cây đô thị trên toàn quốc.
Hơn 80% môi trường sống ở châu Âu đang trong tình trạng tồi tệ. Vì vậy, ngày 22.6.2022, Ủy ban châu Âu đã đề xuất dự thảo Luật Phục hồi thiên nhiên nhằm góp phần phục hồi lâu dài những thiệt hại thiên nhiên trên khắp các vùng đất và biển của EU; đạt được các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học của khối, cũng như đạt được các cam kết quốc tế của EU. Theo Ủy ban châu Âu, luật mới đi vào cuộc sống sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, vì mỗi euro đầu tư sẽ mang lại lợi ích ít nhất là 8 euro.