Loay hoay với chất lượng ngoại ngữ

- Thứ Sáu, 28/08/2020, 05:49 - Chia sẻ
Năm 2020, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) ngày 9 - 10.8, cả nước có hơn 772.000 thí sinh làm bài thi Ngoại ngữ. Số thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên ở bài thi Ngoại ngữ gần 50.600 em, trong đó 328 em đạt điểm tuyệt đối. Số bài thi bị điểm liệt (từ 1 trở xuống) là 555, dù giảm gần 200 so với năm ngoái, song Ngoại ngữ vẫn là môn có nhiều điểm liệt nhất. Con số này cho thấy, trong nhiều năm qua, dường như chất lượng môn ngoại ngữ chúng ta vẫn mãi loay hoay.

Ngoại ngữ càng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với công việc cũng như nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoại ngữ đã trở thành một trong những ngôn ngữ giao tiếp không thể thiếu khi hội nhập quốc tế. Nhận thức rõ tầm quan trọng của học ngoại ngữ, Thủ tướng đã Phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020". Mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có lẽ, đây là mục tiêu rất tốt đẹp mà Đề án này hướng tới, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, việc hiện thực hóa mục tiêu mà Đề án đặt ra vẫn là một điều xa vời.

Thực tế này đã được người đứng đầu ngành giáo dục, đào tạo xác nhận tại diễn đàn Quốc hội. Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (TP Hà nội) đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ: Với những giải pháp mà Bộ đưa ra thì thực hiện Đề án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không? Trả lời câu hỏi này của đại biểu, tư lệnh ngành giáo dục đã không một chút đắn đo: “Tôi trả lời luôn là không”.

Câu trả lời “không” của tư lệnh ngành giáo dục cho thấy, rõ ràng để “phổ cập” ngoại ngữ trên diện rộng là một vấn đề khó. Thực tế cho thấy, dù nhận thức được ngoại ngữ là quan trọng song thời gian qua, việc học ngoại ngữ dường như vẫn mang tính đối phó: học để thi, học khi cần tìm việc làm. Phương thức dạy và học ngoại ngữ tại nhiều cơ sở giáo dục chưa thực sự hiệu quả, còn nhiều hạn chế như thiếu môi trường rèn luyện ngoại ngữ thường xuyên cho sinh viên, phương pháp giảng dạy mang tính một chiều, giáo trình và tài liệu giảng dạy kém hấp dẫn. Đó là chưa kể, trình độ giáo viên dạy ngoại ngữ nhiều nơi còn chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo yêu cầu… Đó là một trong những lý do dẫn đến ngoại ngữ chưa thực sự tạo hứng thú cho người học ở nhiều cơ sở đào tạo. Không ít sinh viên tốt nghiệp mất đi nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tốt bởi không đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ mà nhà tuyển dụng đưa ra.

Trong khi đó, để biết thêm, trau dồi thêm vốn ngoại ngữ thì học sinh, sinh viên phải tự học thêm qua mạng, qua các trung tâm và các hình thức học tập khác. Mỗi nơi dạy mỗi kiểu, mạnh ai người ấy dạy thêm, rất khó kiểm soát chất lượng.

Trong điều kiện hiện nay, ngoại ngữ đã trở thành ngôn ngữ giao tiếp không thể thiếu, do đó yêu cầu đặt ra cần nâng cao chất lượng đào tạo đối với môn học này. Muốn vậy, cần đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập ngoại ngữ trong xu thế hiện nay. Đặc biệt, một trong giải pháp có tính then chốt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, có như vậy mới nâng cao chất lượng dạy và học. Với giáo viên giảng dạy môn Ngoại ngữ, việc chuẩn hóa được đặt lên hàng đầu. Giáo viên không chỉ là người có trình độ đào tạo tương xứng với từng lớp học, cấp học mà đòi hỏi người đứng lớp phải có khả năng phát âm chính xác. Cùng với đó, cần có sự đổi mới trong cách truyền đạt kiến thức bởi sự lôi cuốn, thuyết phục người học bằng phương pháp giảng dạy khoa học, sinh động. Cần coi học sinh, sinh viên, học viên là trung tâm để họ được được nói, được thực hành, có môi trường giao tiếp. Đừng biến giờ học ngoại ngữ thành giờ thầy cô nói trò nghe một cách thụ động, thầy cô nói trò chép nhàm chán.

Song Hà