Loại bỏ tâm lý "ngại"...

- Thứ Ba, 18/05/2021, 07:45 - Chia sẻ
Tại Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố diễn ra hồi giữa tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã từng nhấn mạnh rằng xét nghiệm sớm là khâu then chốt để kiểm soát dịch một cách tối đa. Nếu xét nghiệm chậm, chúng ta chỉ đuổi theo dịch chứ không phải chặn dịch. Trong khi đó, dịch lần này rất nhanh, càng đuổi theo, chúng ta càng đuối...

Vậy nhưng báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Bộ Y tế diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, một số địa phương đang có tâm lý "ngại" mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết thêm: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, những ngày qua, ông và lãnh đạo Bộ liên tục làm việc để nâng cao năng lực xét nghiệm, trong đó, quan trọng nhất là xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR. Hiện cả nước có 175 phòng xét nghiệm với công suất gần 66.000 mẫu/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất tối đa lên 290.000 mẫu/ngày. Nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày.

Tuy nhiên với những diễn biến của dịch bệnh như hiện nay, việc thực hiện xét nghiệm sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành các hướng dẫn, cơ chế mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch Covid-19 để các địa phương triển khai vì trên thực tế hiện đang tồn tại 8 “nghịch lý” của ngành y tế, trong đó có tình trạng ách tắc trong mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật cao tại nhiều cơ sở y tế...

Còn nhớ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở nước ta, nhiều địa phương đã tiến hành mua máy xét nghiệm. Đáng tiếc, trong quá trình thực hiện, tại một số địa phương đã xảy ra tiêu cực. Một số cá nhân đã bị khởi tố như Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và 6 người khác vì gian lận khi mua sắm hệ thống Realtime PCR. Sau đó, thanh tra một số tỉnh cũng đã kết luận có vi phạm trong quá trình xây dựng, thẩm định giá... đối với các gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động.

Việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch là tất yếu, nhưng điều đáng nói ở đây là dù cùng một loại máy nhưng mỗi địa phương lại mua với một mức giá khác nhau với lý do các gói phụ kiện đi kèm càng nhiều thì giá càng cao. Và cho đến khi xảy ra vi phạm, phải khởi tố lại nảy sinh tâm lý ngại, hoặc sợ.

Phải khẳng định rằng, để xảy ra những sai phạm trong mua sắm máy xét nghiệm thời gian qua chủ yếu do yếu tố con người. Các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này dù có thể còn thiếu hoặc chưa đầy đủ nhưng nếu tuân thủ nghiêm túc thì chắc chắn đã không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Điều đáng nói hơn nữa ở đây là nảy sinh tâm lý "ngại" mua sắm. Thực tế này không phải đến giờ mới được chỉ ra. Tại một cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống Covid-19 với các tỉnh, thành phố diễn ra cách đây chưa lâu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch Nước) đã phải chỉ đạo Bộ Y tế không được phép lơ là, tiếp tục hỗ trợ kịp thời phương tiện, năng lực xét nghiệm cho địa phương bởi thời gian qua đã nhận được nhiều phàn nàn về việc không dám mua sinh phẩm và kit xét nghiệm vì sợ vi phạm.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế phải làm việc với Tổng cục Hải quan để sớm công bố giá thiết bị xét nghiệm nhập khẩu, tính toán các chi phí vận chuyển, thuế… để có mức giá phù hợp. Đối với thiết bị, sinh phẩm nhập khẩu xét nghiệm, có thể đàm phán với một số nhà nhập khẩu để chốt mức "giá trần"; thành lập tổ liên ngành để xác định mức giá gồm giá thành do doanh nghiệp báo, lợi nhuận cần thiết, giá chuyển giao công nghệ… để "chốt" mức "giá trần", sau đó thông báo cho 63 tỉnh, thành phố.

Sai phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế là có, thậm chí đã có người bị truy tố nhưng không thể vì thế mà lại "ngại" không làm. Sẽ không có gì đáng "ngại" nếu việc mua sắm được thực hiện công khai, minh bạch, không tham nhũng, tiêu cực.

Khánh Ninh