Loại bỏ công chức, viên chức “cắp ô”?

- Thứ Hai, 17/08/2020, 08:47 - Chia sẻ
Ngày 20.8 tới đây, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức chính thức có hiệu lực. Liệu những quy định của nghị định có thực sự loại bỏ được cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” hay không?

Thực tế cho thấy, bên cạnh những cán bộ, công chức, viên chức hết mình với công việc thì vẫn có những người hưởng lương nhưng làm việc chỉ cầm chừng. Công chức, viên chức làm việc kiểu “đánh trống ghi tên”, “hết ngày đầy công” không phải là trường hợp cá biệt. Điều đáng nói, dù biết là làm việc nửa vời, làm việc kiểu “chân ngoài dài hơn chân trong” nhưng để loại bỏ các trường hợp này ra khỏi bộ máy không phải là việc dễ dàng. Nguyên do là chúng ta thiếu công cụ đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Điều này làm cho công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bị rơi vào tình trạng “dĩ hòa vi quý”, “hòa cả làng”.

Tại diễn đàn Quốc hội, Kỳ họp thứ Tám, dẫn báo cáo của Bộ Nội vụ về tỷ lệ chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu chất vấn với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ như báo cáo của Bộ liệu có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không? Nếu đúng, theo đại biểu đây là điều “rất đáng mừng”. Còn nếu không đúng thì nguyên nhân có phải là do có sự nể nang dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá, phân loại công chức hay không?

Qua báo cáo từ 40 tỉnh, thành phố gửi về cho thấy, tỷ lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ của công chức khoảng 27,7%; hoàn thành tốt khoảng 67,3%; hoàn thành nhiệm vụ năng lực còn hạn chế 6,3% và không hoàn thành 0,63%. Tuy nhiên, trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thẳng thắn thừa nhận: Đánh giá và phân loại như thế này là chưa chính xác. Nguyên nhân, các địa phương chưa xây dựng được tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá còn chung chung…

Rõ ràng, khi chưa có tiêu chí cụ thể thì việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chung chung là điều khó tránh khỏi. Đó là chưa kể, trong cơ quan đơn vị, đều là chỗ quen biết, anh em, việc đánh giá duy tình, nể nang cũng là điều dễ hiểu. Nhất là khi chưa có một chế tài cho người đứng đầu nếu để xảy ra việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chung chung, cảm tính, thiếu khách quan.

Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chung chung cảm tính gây ra nhiều hệ lụy: Không khuyến khích được cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, tạo sức ỳ cho chính họ. Bởi lẽ, làm cũng được, chẳng làm cũng chẳng sao. Chính sự mù mờ trong quy định, cùng với sự cả nể trong nhận xét đánh giá của tập thể, của người đứng đầu đã dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức luôn “hoàn thành nhiệm vụ” nhưng thực ra hiệu quả công việc vẫn không “trôi”.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã kịp thời ban hành nghị định quy định cụ thể về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức viên chức. Theo đó, việc đánh giá, xếp loại chất lượng sẽ được căn cứ vào các tiêu chí về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc. Ngoài ra, căn cứ vào ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nghị định cũng quy định cụ thể các tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ theo 4 mức độ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong từng mức độ cũng áp dụng các tiêu chí khác nhau đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ được phân rõ công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý. Tương ứng với đó là các tiêu chí kèm theo rất cụ thể. Trong đó, công chức không giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo nhưng có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền; có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá thì bị xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ…

Việc nghị định cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá là công cụ pháp lý quan trọng đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác. Tránh tình trạng người đứng đầu đánh giá hình thức, nể nang, né tránh, hay trù dập, thiên vị cán bộ, công chức, viên chức. Và đương nhiên, căn cứ vào các tiêu chí này, người không làm được việc sẽ bị loại ra khỏi bộ máy.

Hà An