Thay mặt cho Nhóm các nước đang phát triển (G77), một nhóm gồm 134 quốc gia đang phát triển và Trung Quốc, Đại sứ Uganda tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Godfrey Kwoba đã phát biểu trước Đại hội đồng gồm 193 thành viên rằng sáng kiến này nhằm mục đích "ngăn chặn và giảm thiểu những tác động tiêu cực của bão cát và bụi" thông qua "hợp tác quốc tế và khu vực". Sau đó, Đại hội đồng đã thông qua nghị quyết bằng sự nhất trí và sau một tiếng gõ búa của Chủ tịch Đại hội đồng Dennis Francis.
Báo cáo năm 2022 của Công ước của LHQ về chống sa mạc hóa cho biết, bão cát và bụi đã "tăng mạnh về tần suất trong những năm gần đây"; khẳng định các hiện tượng thời tiết cực đoan này có thể làm trầm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp, phá hoại mùa màng và giết chết gia súc, gia cầm, vật nuôi, cũng như làm tăng nguy cơ sa mạc hóa. Báo cáo của LHQ ước tính rằng có 2 nghìn tỷ tấn cát và bụi xâm nhập vào khí quyển hàng năm, chủ yếu ở các vùng đất khô cằn và các vùng bán ẩm có ít thảm thực vật. Phần lớn lượng khí thải là do điều kiện tự nhiên, nhưng hạn hán và biến đổi khí hậu đã khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Báo cáo ước tính rằng “ít nhất 25% lượng bụi phát thải toàn cầu có nguồn gốc từ các hoạt động của con người” như quản lý đất đai và sử dụng nước không bền vững.
Là một phần của sáng kiến kéo dài một thập kỷ được thông qua hôm 10.7, Đại hội đồng cho biết, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ sẽ thúc đẩy các hoạt động chống bão cát và bụi ở các quốc gia bị ảnh hưởng, bao gồm "quản lý sử dụng đất bền vững, kết hợp nông lâm nghiệp, thiết lập vành đai trú ẩn, thúc đẩy các chương trình trồng rừng/tái trồng rừng và phục hồi đất". Nghị quyết này cũng kêu gọi hợp tác toàn cầu để tăng cường hệ thống cảnh báo sớm và chia sẻ thông tin thời tiết quan trọng để dự báo bão bụi cát.
Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và các hoạt động khác nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của việc chống bão cát và bụi đối với sức khỏe cộng đồng, cải thiện việc sử dụng đất, tăng cường an ninh lương thực và sinh kế, cũng như thúc đẩy "khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu".
Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ được thông qua hai ngày trước Ngày quốc tế Chống bão cát và bụi 12.7, ngày mà Đại hội đồng đã ấn định vào năm ngoái và sẽ được kỷ niệm lần đầu tiên trong năm nay.