Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Y tế, cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Răng - hàm - mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh...
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ mang bí danh là Nguyễn Văn Chi, tên gọi thường là Bẩy Thủ, hay Bẩy Chi. Ông sinh ngày 27.2.1915 tại xã Trung Hậu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình đại điền chủ.
Tốt nghiệp tú tài năm 1933 khi vừa tròn 18 tuổi, ông được gia đình gửi sang Pháp học ngành bác sĩ nha khoa. Năm 1940, ông tốt nghiệp. Sớm giác ngộ cách mạng, khi còn là sinh viên ông đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước của Việt kiều tại Paris và trở thành nhân vật nòng cốt của phong trào. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách, song nhiều nhất vẫn là công tác chăm lo sức khỏe cho Nhân dân và bộ đội.
Năm 1954, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ tập kết ra miền Bắc và được phân công xây dựng ngành răng, hàm, mặt Việt Nam. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, ông được Trung ương cử vào chiến trường miền Nam năm 1964 với trọng trách Trưởng Ban Y tế Trung ương Cục miền Nam và Chủ tịch Chữ thập đỏ miền Nam Việt Nam. Đất nước thống nhất, ông được phân công làm Thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách cơ quan của Bộ tại phía Nam. Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ làm Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Xã hội của Quốc hội Khóa VI (nhiệm kỳ 1976 - 1981).
Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ là người sáng lập và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Răng - hàm - mặt Việt Nam vào năm 1980. Cũng năm đó, ông được Nhà nước phong chức Giáo sư. Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ còn là người lãnh đạo xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ông là một điển hình về tinh thần yêu nước của trí thức Việt Nam, sớm giác ngộ và tham gia cách mạng ngay từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ông là thầy thuốc tận tụy với nghề, say sưa với ngành cho đến hơi thở cuối cùng.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ để lại rất nhiều bài học và đóng góp to lớn cho ngành y tế nói chung và ngành răng, hàm, mặt nói riêng. Theo đó, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ đã tổ chức đào tạo, xây dựng hệ thống răng, hàm, mặt ở Nam Bộ trong thời kỳ chống Pháp, đến tổ chức ngành răng, hàm, mặt tiến lên chính quy, hiện đại, với tinh thần khoa học thực tiễn theo đúng đường lối phát triển, phương châm y tế của Đảng và Chính phủ trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc.
Với Ban Y tế Trung ương Cục miền Nam, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ đã chỉ đạo công tác y tế, dân y miền Nam phối hợp chặt chẽ với quân y trong công tác đào tạo cán bộ y tế phục vụ cho chiến trường và vùng giải phóng. Sau ngày 30.4.1975, là người đầu tiên tổ chức đào tạo đưa ngành răng hàm mặt toàn quốc từng bước tiến vững chắc vào hội nhập quốc tế. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu, tổ chức lại hệ thống mạng lưới răng hàm mặt toàn quốc và cũng đã vạch ra mục tiêu, phương hướng phát triển ngành răng hàm mặt đến năm 2020, với mong muốn ngành răng hàm mặt đuổi kịp và hòa nhập với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của ngành răng hàm mặt trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ là một nhà trí thức yêu nước, một nhân cách lớn, một nhà khoa học tài năng, một người quản lý giỏi, một người thầy thuốc nhân văn và là một trong những tấm gương sáng ngời của ngành y tế Việt Nam. Di sản cuộc đời quý báu của ông đã được truyền dẫn cho các thế hệ thầy thuốc học tập và noi theo.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thông qua những hình ảnh, những thước phim tư liệu, những kỷ niệm về Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ để cùng nhìn lại những khó khăn, vất vả, cũng như sự cố gắng của lớp lớp các thế hệ cán bộ ngành y tế trong suốt chặng đường vừa qua đã đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.
Tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đội ngũ cán bộ ngành y tế luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Nhất là sau khi dịch Covid-19, ngành y tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức từ vấn đề hệ thống, nguồn nhân lực, điều kiện để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch, công tác khám, chữa bệnh, đặc biệt là khó khăn liên quan đến hệ thống văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho các chính sách y tế được triển khai vào thực tiễn. Do đó, thời gian qua, cán bộ ngành y tế luôn luôn cố gắng, đoàn kết, thống nhất và phát huy truyền thống tự hào của ngành trong suốt chặng đường dài vừa qua để vượt qua mọi thử thách.