Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ và Quốc hội bảo đảm chất lượng và tiến độ đặt ra; xây dựng trình Quốc hội thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và khẩn trương xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám tới. Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30.6.2024 quy định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Trung ương có hiệu lực từ 1.7.2024.
Ngay trong ngày 1.7.2024 đã có trên 60% số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng được nhận lương hưu và trợ cấp mới, với việc chi trả kịp thời đã tạo tâm lý phấn khởi đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Trong năm 2023, do tình hình kinh tế - xã hội dần được phục hồi kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có nhiều điểm tích cực như: số người tham gia, số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng lên so với năm 2022; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có mức tăng cao 31,03%, vượt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội như ốm đau, hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng gia tăng.
Tại phiên họp, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về công tác thanh tra, kiểm tra; công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; tình hình chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...
Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, nhất là việc phối hợp với các ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh việc xử lý các kết luận thanh tra, kết quả kiểm tra, kiểm toán về tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm của Bộ.