Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...
Trình bày Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nêu rõ, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lập đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) và hồ sơ đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 1.9.2024 với 5 chính sách. Cụ thể, gồm: thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu tập trung vào các chính sách: hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; thống nhất các khái niệm, thuật ngữ với quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật về quy hoạch; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ lập quy hoạch; tiếp tục tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới...
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 1.9.2024 với 18 chính sách lớn được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán có 3 chính sách), Luật Kế toán 2 chính sách, Luật Kiểm toán độc lập 3 chính sách, Luật Ngân sách nhà nước 3 chính sách, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2 chính sách, Luật Quản lý thuế 3 chính sách, Luật Dự trữ quốc gia 2 chính sách.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 3 dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình một kỳ họp.
Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về sự cần thiết ban hành và nội dung cụ thể của các chính sách; thủ tục, thời điểm và quy trình thông qua đối với 3 dự án Luật đề xuất bổ sung vào Chương trình. Các ý kiến cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, kịp thời giải quyết các vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra.
Đối với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các ý kiến tán thành với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, một số ý kiến đề nghị tách nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thành dự án luật riêng. Bên cạnh đó, đề nghị rà soát lại, theo đó chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc, những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, được đánh giá tác động đầy đủ.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, cần làm rõ các vướng mắc, bất cập có thực sự là vướng và khó khăn hay không; đồng thời đề nghị, đối với hồ sơ chung của các dự án Luật cần tiếp tục hoàn thiện và giải trình, tiếp thu các chính sách kiến nghị sửa đổi.
Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, lựa chọn những vấn đề khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển và thực sự cấp bách trong thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để sửa 8 luật, gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Dự trữ quốc gia, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình một kỳ họp và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.
Đối với nhóm các luật còn lại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, cần sửa đổi toàn diện đối với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh. Trong quá trình sửa đổi nhóm 8 luật nêu trên nếu nhận thấy có những vấn đề phải sửa đối với 3 luật này để bảo đảm tính đồng bộ, thì Chính phủ phải có đánh giá đầy đủ và kiến nghị kịp thời. Phạm vi sửa đối với 3 luật này cũng phải ít hơn và chỉ sửa đổi những vấn đề đồng bộ với nhóm 8 luật đã nêu.