Dự tọa đàm có: các nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh, Trần Đình Đàn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án; các nguyên đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí...
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà nêu rõ, ngày 9.9.2022, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 944-NQ/ĐĐQH15 về việc thành lập Ban chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV. Thời gian qua, trên cơ sở nghiên cứu thực trạng công tác truyền thông của Quốc hội nước ta, kinh nghiệm truyền thông của Quốc hội/Nghị viện các nước trên thế giới, kinh nghiệm truyền thông của một số cơ quan, bộ, ngành ở Việt Nam, các nhóm đã xây dựng 7 chuyên đề nghiên cứu làm cơ sở tổng hợp, xây dựng Đề án. Trước khi Ban Chỉ đạo họp 2 phiên để cho ý kiến về Đề án, Tổ Soạn thảo đã tổ chức xin ý kiến các thành viên trong Tổ 2 lần.
Với mong muốn được tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp quý báu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, tọa đàm được tổ chức để lấy ý kiến các nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các chuyên gia, bộ, ngành... về mục tiêu, định hướng, quan điểm và những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Quốc hội Khóa XV và định hướng cho khóa tiếp theo.
“Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm tiếp tục kế thừa, phát triển những kết quả đã đạt được, đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn cũng như trong quy định của pháp luật về công tác truyền thông của Quốc hội thời gian qua”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung lớn được đề cập trong dự thảo Đề án, đặc biệt là những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Quốc hội.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, cần xác định rõ hơn lực lượng tham gia truyền thông về hoạt động của Quốc hội, ai tham gia công tác truyền thông và đối tượng hướng đến là ai? Phải nhấn mạnh hơn sự tồn tại và vai trò của báo chí cách mạng trong điều kiện truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Hơn lúc nào hết, báo chí phải phát huy được sức mạnh, trách nhiệm rất quan trọng của mình trong định hướng dư luận xã hội, nếu không sẽ bị hỗn loạn về thông tin. Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn nữa về truyền thông chính sách để các quyết sách từ Quốc hội ban hành, sau đó Chính phủ thực hiện, Quốc hội giám sát người dân đều được biết.
Cùng quan điểm, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, cần có quy chế hoạt động báo chí trước, trong và sau các kỳ họp cũng như khi ban hành chính sách. Đồng thời, phải tăng cường tính tương tác giữa cử tri với Quốc hội thông qua báo chí.
Phát biểu tại toạ đàm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cảm ơn các nguyên đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến trách nhiệm, cụ thể, đặc biệt là đưa ra nhiều giải pháp rất xác đáng. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao Tổ soạn thảo đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để xây dựng Đề án dù đây là công việc rất mới và khó. Đồng thời, yêu cầu Tổ soạn thảo tiếp tục tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề án.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng lưu ý, nếu muốn đổi mới về nội dung truyền thông thì phải xác định nội dung đó được ai cung cấp, cụ thể phải chỉ rõ cơ quan soạn thảo cung cấp nội dung nào, cơ quan thẩm tra thế nào, nhóm đại biểu Quốc hội thì chia theo các nhóm phụ trách từng mảng nội dung và chọn những ai? Nội dung cũng phải khu biệt từng nhóm đối tượng hướng đến để truyền thông, đối với người dân sẽ khác với các chuyên gia, nhà khoa học. "Phải làm rõ các vấn đề này trong Đề án để khi tổ chức thực hiện được thuận lợi, chuyên nghiệp", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.