Vừa qua, kỳ họp bất thường thứ năm, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1.1.2025.
Trước những quy định mới sắp có hiệu lực, MBS Research có bản đánh giá tác động của Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo đó, những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng (TCTD), hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm, can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý tài sản đảm bảo có tác động nhiều nhất đến hoạt động của các ngân hàng.
Điều khoản liên quan tới hoạt động của đại lý bảo hiểm trong Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1.7.2024. Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm như: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Luật có hiệu lực sẽ giúp hoạt động Banca (bảo hiểm liên kết ngân hàng) được quản lý chặt chẽ hơn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập từ hoạt động banca tại các ngân hàng TMCP.
Số liệu của MBS Research cho thấy tốc độ tăng trưởng thu nhập từ kênh Banca của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ nằm trong top những nhà băng bị ảnh hưởng lớn nhất. Nguyên nhân do ACB có tỷ trọng thu nhập Banca trong tổng thu nhập ngoài lãi cao nhất trong nhóm các ngân hàng TMCP.
Nhìn lại lịch sử hoạt động Banca của ACB có thể thấy, tháng 11.2020, ACB đã ký hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm nhân thọ với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam, trong thời hạn 15 năm. Theo đó, từ đầu năm 2021, công ty bảo hiểm của Canada sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua mạng lưới 371 chi nhánh trên 48 tỉnh, thành của ACB.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thời điểm đó, sau cái bắt tay của ACB và Sun Life Việt Nam, mức phí trả trước lên tới 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng Banca hợp tác bảo hiểm độc quyền. Mức phí này cao gấp 4 lần so với con số dự báo khoảng 90 triệu USD do nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính trước đó.
Dữ liệu tài chính thể hiện, năm 2021 – năm đầu tiên ACB “cộng sinh” cùng bảo hiểm Sun Life, ACB đã mang về hơn 1.246 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm. Sang năm thứ hai, tính hết tháng 10.2022, doanh thu phí bảo hiểm của ACB đạt 1.437 tỷ đồng.
Về phía Sun Life, năm 2021, Sun Life Việt Nam đạt doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tăng hơn 3,5 lần và thị phần tăng từ vị trí 13 lên thứ 7 so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng khách hàng của Sun Life Việt Nam cũng tăng trưởng với gần gấp hai lần chỉ trong năm 2021.
Tuy nhiên, song hành với sự phát triển của mình, Sun life Việt Nam đang đối mặt với tình trạng xuất hiện hàng loạt các đơn khiếu nại của khách hàng liên quan đến vấn đề tư vấn để khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ của Sun Life.