Tiến độ nhanh và bảo đảm hơn
Tại Tọa đàm “Vượt nắng, thắng mưa đưa cao tốc Bắc - Nam về đích", do Báo Kiểm toán tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Thế Minh cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành và địa phương, việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là dự án) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành trên toàn tuyến (đạt 99,7%). Hiện, đã xác định đủ nguồn vật liệu cho dự án, đáp ứng tiến độ thi công, sản lượng thi công toàn dự án đạt bình quân gần 50%. Chủ đầu tư đã và đang tích cực phối hợp với địa phương để bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại trong tháng 8 này; đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tập trung, không chủ quan trong triển khai tiến độ, bảo đảm chất lượng dự án.
Cùng với nỗ lực của các bên có liên quan, xác định vai trò quan trọng của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã luôn đồng hành với quá trình thực hiện dự án. Ngay từ năm 2023, KTNN đã đưa vào kế hoạch kiểm toán trung hạn, Kế hoạch kiểm toán năm 2024 nội dung kiểm toán đối với các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có Dự án. Theo đó, trong năm nay, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán 11/12 dự án thành phần. Năm 2025 sẽ kiểm toán một dự án thành phần còn lại, Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành IV Vũ Duy Bắc chia sẻ.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, kiểm toán đối với một số dự án thành phần, ông Vũ Duy Bắc cho biết, một trong những kết quả nổi bật trong triển khai dự án giai đoạn 2021 - 2025 là các dự án được triển khai với tiến độ nhanh và bảo đảm hơn so với giai đoạn trước. Công tác chuẩn bị dự án giai đoạn này được thực hiện từ sớm, chủ động hơn, bảo đảm Dự án được triển khai nhanh nhất, ông Bắc thông tin.
Đồng hành để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Dù vậy, theo ông Vũ Duy Bắc, qua khảo sát, thu thập thông tin kiểm toán và kết quả kiểm toán bước đầu đối với một số dự án cho thấy, đến nay, tiến độ chung của một số dự án thành phần đang trong thời gian tiến độ được duyệt theo Quyết định đầu tư, nhưng so sánh khối lượng thi công các gói thầu xây lắp thì đang chậm so với tiến độ chi tiết của hợp đồng nhiều tháng.
Cũng theo KTNN, cơ chế đặc thù đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện dự án, song việc triển khai tổ chức thực hiện một số nội dung đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ còn có những khó khăn và bất cập, trong đó có việc xác định vật liệu đắp, giá vật liệu tại mỏ.
Chẳng hạn, tại một số dự án thành phần trên địa bàn Tây Nam Bộ, nguồn cát sông của một số địa phương lân cận có mỏ chỉ đủ cấp cho các dự án của địa phương đang triển khai, không cung cấp được cho dự án cao tốc. Trong khi đó, thủ tục mở mỏ cát mới mất nhiều thời gian (4 - 6 tháng), làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Tại các dự án thành phần nơi có mỏ vật liệu đắp, do chưa thỏa thuận được với người dân về đơn giá bồi thường, nhiều mỏ dự kiến giao cho nhà thầu khai thác hiện gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Mặt khác, các địa phương chưa xác định được chi phí liên quan đến cấp mỏ cũng như chi phí liên quan đến việc khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù, dẫn đến các ban quản lý dự án chỉ tạm thanh toán theo giá hợp đồng cho nhà thầu và cũng chưa đủ cơ sở để KTNN xác nhận chi phí đầu tư đó.
Khẳng định vai trò của KTNN rất quan trọng trong thực hiện dự án, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Nguyễn Thế Minh mong muốn, qua quá trình kiểm toán của KTNN, ngoài việc chỉ ra những sai sót, bất cập trong triển khai để các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời, KTNN cần tiếp tục đồng hành cùng Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có chỉ đạo tháo gỡ sớm nhất các khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra; sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để thuận lợi hơn trong việc triển khai các dự án sau này.
Ở góc độ nhà thầu tham gia thi công nhiều dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Ngọ Trường Nam mong muốn, các cơ quan chức năng, đặc biệt là KTNN cùng đồng hành, giúp tháo gỡ vướng mắc cho Dự án trong quá trình triển khai.
Cũng theo ông Nam, cơ chế đặc thù về cấp mỏ vật liệu mà Quốc hội và Chính phủ ban hành đã đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn thời gian cấp phép và kiểm soát tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, các cơ chế đặc thù chưa đủ hành lang pháp lý hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, giai đoạn đầu, nhiều cơ quan nhà nước có cách hiểu, áp dụng khác nhau, thậm chí hướng dẫn thực hiện như quy trình thông thường nên không phát huy được ưu thế. Cơ chế đặc thù cũng mới chỉ tập trung tháo gỡ về thủ tục, chưa có hướng dẫn liên quan đến quản lý chi phí cấp mỏ, trong khi thực tế nhiều chi phí phát sinh chưa biết quyết toán thế nào như chi phí thỏa thuận, bồi thường mặt bằng mỏ, quản lý, khai thác mỏ…
Từ thực tế trên, đại diện nhà thầu đề xuất, các hướng dẫn của bộ, ngành, UBND tỉnh về việc áp dụng các cơ chế đặc thù cần được thống nhất xuyên suốt và chi tiết để nhà thầu có thể thực hiện kịp thời, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ dự án; tránh tình trạng cơ chế đặc thù cho phép nhưng các quy định khác lại chồng chéo dẫn tới không phát huy hiệu quả của cơ chế đặc thù.