Xây dựng lộ trình phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

- Thứ Năm, 09/11/2023, 07:42 - Chia sẻ

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh là tạo nền tảng để ngành công nghiệp của một quốc gia phát triển vững chắc. Hiện nay cộng đồng doanh nghiệp rất cần những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Đón đầu, đáp ứng việc dịch chuyển công nghệ

Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam có khoảng khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp đang là nhà cung cấp cấp 1 cho các tập đoàn lớn, và khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.

Việt Nam có khoảng khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: ITN
Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: ITN

Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, số lượng doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia ngày càng tăng. Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang nước ngoài hoặc cung ứng cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam với chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ đang hiện hữu, triển vọng rất tích cực, vấn đề cốt lõi để biến cơ hội, triển vọng thành hiện thực cần những giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt nhằm khắc phục cơ bản các điểm nghẽn mà nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước đã liên tục kiến nghị.

Ông Lê Quý Khả, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện TOMECO cho biết: bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, trong năm 2023 và thời gian tới, các khó khăn với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung vẫn tiếp diễn, nhất là sức ép từ tình hình tài chính, lạm phát trên thế giới có thể tác động tới Việt Nam. Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đang điều hành rất tốt, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng vẫn sẽ có tác động, do đó, doanh nghiệp tự lực mới là vấn đề chính yếu.

Ông Lê Quý Khả kiến nghị, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề cần nâng cao các giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh chóng, để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bắt kịp các chính sách. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị về việc phối hợp cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phù hợp hơn với những ngành công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi độ chính xác cao cũng như đáp ứng việc dịch chuyển công nghệ từ các nhà máy sản xuất đa quốc gia đến Việt Nam.

Sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ

Là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn N&G, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba) đề nghị, Chính phủ sớm xây dựng Luật công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội sớm ban hành trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đạt tỷ trọng 5 - 10% tổng số doanh nghiệp vào năm 2025.

Ông Nguyễn Hoàng cũng cho rằng, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ không thể dàn trải, mà cần quy hoạch thành từng vùng kinh tế cụ thể, phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì… Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng mong muốn có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn vì hiện nhiều điều kiện trong vay vốn về lãi suất, tài sản bảo đảm vẫn là trở ngại với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Cần thành lập quỹ tài chính dành riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đây sẽ là quỹ mở để thu hút mọi nguồn hỗ trợ trong nước và quốc tế cùng đầu tư.

Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho biết, cộng đồng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kiến nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia liên ngành về phát triển công nghiệp, trong đó có một Phó thủ tướng chuyên trách để khi doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị sẽ được giải quyết kịp thời.

Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, quyết tâm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đạt tỷ trọng 5 - 10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, cần có giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp); quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong nước với chi phí, chính sách hợp lý.

Tâm Anh
#