Tín dụng đã tăng trở lại

- Thứ Bảy, 20/04/2024, 08:07 - Chia sẻ

Sau hàng loạt động thái quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, như ban hành công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức hội nghị về đẩy mạnh tín dụng ngành ngân hàng... nhờ đó, tín dụng trong tháng 3 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm. 

Tín dụng quý I tăng 1,34% 

Tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng trong quý I.2024 diễn ra sáng 19.4, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Cụ thể, về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp; tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm so với cuối năm 2023.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: SBV
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: SBV

Về điều hành tín dụng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày 31.12.2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 và thông báo công khai nguyên tắc xác định để các tổ chức này chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, song tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 vẫn khá thấp so với các năm gần đây, trong đó có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán; nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động... Do đó, trong tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 1088/NHNN-CSTT chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15.1.2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tổ chức hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Giữa tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhằm đề xuất, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân…

“Nhờ đó, tín dụng trong tháng 3.2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29.3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Về điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VNĐ nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VNĐ, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. “Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD”.

Sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá bất lợi

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Theo đó, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú xác nhận, Ngân hàng Nhà nước “sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá có diễn biến bất lợi, kể cả ngay hôm nay”. Theo ông, dự trữ ngoại hối những năm qua bảo đảm được khi nhà điều hành muốn can thiệp thị trường.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang bổ sung, thời gian qua, tỷ giá liên tục tăng nóng, thậm chí tăng kịch trần trong nhiều phiên gần đây. Chỉ số giá trị đồng USD trên thị trường quốc tế tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm, với mức tăng hơn 5%, đã gây áp lực lớn lên các đồng nội tệ của nhiều nước, không riêng Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã theo rất sát diễn biến tỷ giá của đồng Việt Nam với các đồng tiền khác để có biện pháp giải tỏa áp lực trên thị trường ngoại tệ cũng như với tỷ giá; điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VNĐ, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Trước bối cảnh tỷ giá tăng rất nhanh do nhu cầu mua ngoại tệ rất lớn, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu xăng dầu, sắt thép, tạo áp lực lớn lên thị trường ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có nhiều biện pháp mạnh mẽ để ổn định thị trường ngoại tệ.

Kể từ 19.4, Ngân hàng Nhà nước công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng. Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo đảm giải tỏa tâm lý thị trường, bảo đảm nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt cũng như bảo đảm đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, tiếp tục các biện pháp ổn định thị trường nhằm bảo đảm nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát, đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.

Đan Thanh
#