Quảng Nam

Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ

- Thứ Sáu, 27/10/2023, 07:22 - Chia sẻ

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách, cơ chế để đẩy mạnh phát triển, thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như đề xuất lập Trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại khu kinh tế mở Chu Lai, thực hiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi…

Thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư lớn

Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp hạ nguồn, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam  thu hút nhiều dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và các bộ phận phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô; nguyên vật liệu và phụ liệu, hóa chất phục vụ sản xuất ngành may mặc; linh kiện điện tử phục vụ ngành điện - điện tử.

Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thu hút nhiều dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn. Nguồn: ITN
Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thu hút nhiều dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn. Nguồn: ITN

Về công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, thời gian gần đây đã có sự phát triển rõ rệt, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Các dự án chủ yếu tập trung trong các khu, cụm công nghiệp với các sản phẩm hỗ trợ ngành dệt may như vải, sợi, hoàn thiện sản phẩm dệt, chỉ, khuy nút, dây kéo, nhãn mác, in các loại hoa văn lên vải, bao bì giấy, nhựa cho ngành may và kim dệt may.

Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có khoảng 26 dự án hoạt động tập trung trong các khu công nghiệp. Tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án là hơn 4.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động.

Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương tỉnh Quảng Nam) Võ Ngọc Nghĩa cho biết, trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ tại trên địa bàn tỉnh, sự ra đời và phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu, cụm công nghiệp là đòn bẩy quan trọng cho phát triển công nghiệp của địa phương, phát triển nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như giày dép, may mặc, sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và linh kiện ô tô đã làm tăng vượt bậc giá trị xuất khẩu của tỉnh.

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh thu hút một số dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô và dệt may, sản phẩm thiết bị điện, linh kiện điện tử. Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may thời gian gần đây đã có sự phát triển rõ rệt, với khoảng 25 dự án hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động, chủ yếu là doanh nghiệp FDI”.

Bố trí nguồn lực phù hợp, nâng cao vai trò quản lý

Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị bổ sung quy hoạch quốc gia Trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Theo hiện trạng, Khu kinh tế mở Chu Lai đã hình thành khu công nghiệp cơ khí ô tô, là điểm nhấn về công nghiệp sản xuất ô tô, trên lĩnh vực công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ đã từng bước phát triển.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã có Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Thống kê cho thấy, hiện tỉnh Quảng Nam có khoảng 63 dự án đầu tư ngành công nghiệp cơ khí, với tổng vốn đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng và có hơn 2.000 cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ lẻ hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí, sản xuất, sửa chửa máy móc dụng cụ nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí phục vụ dân sinh. Vì vậy, tỉnh đề xuất lập Trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai để phát triển ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh, Quảng Nam cần bố trí nguồn lực phù hợp, phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành Việt Nam có lợi thế sử dụng lao động và xuất khẩu như dệt may, da - giày, điện tử… Cùng với đó là nâng cao vai trò, vị trí và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp tại địa phương đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Ngoài ra, tỉnh cần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp cũng như hình thành các công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Khánh Ngọc