Công nghiệp hỗ trợ

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp chế biến chế tạo tham gia thị trường

- Thứ Hai, 21/11/2022, 06:10 - Chia sẻ

Việt Nam đang được biết đến bởi ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã bày tỏ mong muốn được tiếp cận và liên kết với doanh nghiệp công nghiệp nội địa. Đây được xem là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt có đủ tiềm lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cũng là thời cơ để các đơn vị này đón làn sóng chuyển giao công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, trong bối cảnh Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 thì các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đóng vai trò rất quan trọng. Theo dự kiến kế hoạch năm 2023, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tiếp tục đà tăng trong thời gian qua và đạt mức cao nhất từ trước đến nay (26,4 - 26,5%). “Nhịp độ” tăng lên của tỷ trọng trong GDP cũng cao hơn các thời kỳ trước. Điều đó thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, có công nghiệp theo hướng hiện đại, tránh bị lỡ hẹn như năm 2020.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp chế biến chế tạo tham gia thị trường. Ảnh: HY
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp chế biến chế tạo tham gia thị trường. Ảnh: HY

Đặc biệt, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 50%) giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm trên dưới 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vốn đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng tập trung cho công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo. Mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài là tận dụng lợi thế về số lao động đông, giá nhân công rẻ; lợi thế đang trong quá trình mở cửa hội nhập, tham gia các hiệp định thương mại (FTA), tranh thủ các ưu đãi để xuất khẩu.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp thu hút đầu tư về mặt tài chính, vốn, doanh thu mà còn là thời cơ để đón đầu làn sóng chuyển giao kỹ thuật từ quốc tế, nhằm năng cao hàm lượng công nghệ cho các sản phẩm của mình.

Sản phẩm công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có những sản phẩm có kỹ thuật - công nghệ cao (như điện thoại và linh kiện) có mặt ở nhiều thị trường lớn và chiếm tỷ trọng tới 16,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành này thường cao hơn các ngành công nghiệp khác. Chẳng hạn, trong 9 tháng đầu năm 2022, chế biến, chế tạo tăng 10,59%, còn khai khoáng chỉ tăng 4,42%, sản xuất điện tăng 7,71%, cung cấp nước tăng 7,03%.

Nâng cao công nghệ để đón sóng

Tại triển lãm công nghiệp hỗ trợ Vimexpo 2022 với chủ đề "kết nối để phát triển" được tổ chức mới đây, một trong những sản phẩm được giới thiệu tại triển lãm và được nhiều doanh nghiệp quan tâm là công nghệ sản xuất mới, số hóa quy trình sản xuất để nâng cao sự chuyên nghiệp và chất lượng sản phẩm.

Tại các gian hàng của Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tiến, Giám đốc kinh doanh Công ty AIE cho biết, công ty cung cấp các giải pháp tích hợp công nghệ, công nghệ 3D trong quản lý sản xuất, nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp...

"Việc nâng cao công nghệ và tích hợp công nghệ, quản trị trong doanh nghiệp là rất quan trọng, bởi đây là nhân tố quyết định năng lực, tính chuyên nghiệp doanh nghiệp Việt khi muốn tiếp cận các đối tác nước ngoài. Hiện nay, doanh nghiệp đang làm việc với nhiều đối tác quốc tế từ Singapore, Anh, Australia, Mỹ... trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, tích hợp công nghệ cho doanh nghiệp” - ông Tiến chia sẻ.

Về giải pháp kinh doanh, ông Tiến cũng chia sẻ, ngoài việc phải luôn làm mới mình, làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất thì cần phải thấu hiểu khách hàng. Thứ công ty làm là thấu hiểu những khó khăn và hạn chế, tồn tại của đối tác về mặt quản lý, công nghệ, để từ đó đưa ra các giải pháp giúp họ giải những bài toán đó. Đó là yếu tố để doanh nghiệp chọn Công ty AIE chứ không phải một công ty công nghệ khác.

Cùng quan điểm trên, ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intech cho rằng, đây là câu chuyện "con gà - quả trứng." Doanh nghiệp chờ đối tác tìm đến mới nâng cao công nghệ, chất lượng để đáp ứng nhu cầu, hay tìm cách nâng cao vị thế, chất lượng doanh nghiệp trước để thuận lợi hơn trong tìm kiếm đối tác.

Ông Hoàng Hữu Thắng cũng nhận định, hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến phát triển công nghiệp, chế biến chế tạo là khá đầy đủ. Song, để làm tốt vai trò "bà đỡ," thời gian tới, cần thêm nhiều các sự kiện triển lãm, giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, kết nối với nhau. Bên cạnh đó, các chính sách về vốn vay, ưu đãi trong nghiên cứu phát triển công nghệ mới triển khai mạnh mẽ hơn.

Các chuyên gia và chủ doanh nghiệp cũng cho rằng, để giảm tỷ lệ chi phí trung gian, tăng tỷ lệ giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, có nhiều việc phải làm, trong đó có một số giải pháp quan trọng. Đó là tăng tỷ trọng công nghệ cao hiện còn thấp (năm 2020 mới chiếm 12,9% về số doanh nghiệp, 21,78% về số lao động, 34,23% về vốn sản xuất - kinh doanh, 28,59% về giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, 42,8% về doanh thu thuần, 55,74% về lợi nhuận trước thuế).

Tùng Dương - Hải Yến