“Kho hàng” của ngành công nghiệp hỗ trợ

- Thứ Hai, 10/06/2024, 08:24 - Chia sẻ

Với lợi thế là trung  tâm kết nối, Hưng Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành “kho hàng” cho ngành công nghiệp hỗ trợ của vùng đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước.

Hơn 300 dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí, điện tử, sản xuất kim loại, năng lượng... phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 2.122 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký hơn 259.000 tỷ đồng và hơn 6 tỷ USD. Trong đó, có hơn 300 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, đã đóng góp quan trọng hình thành nên ngành công nghiệp hỗ trợ đang đà phát triển mạnh ở các lĩnh vực. Đặc biệt trong ngành cơ khí chế tạo sản xuất chủ yếu các sản phẩm tạo khuôn mẫu, rập, đúc và gia công chính xác, dụng cụ, dao cắt, linh kiện, thiết bị máy động lực, máy nông nghiệp, sản xuất thép chế tạo.

Đến 2025, công nghiệp hỗ trợ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của Hưng Yên. Nguồn: ITN
Đến 2025, công nghiệp hỗ trợ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của Hưng Yên. Nguồn: ITN

Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 khâu đột phá cần thực hiện để góp phần xây dựng tỉnh sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại đó là: “Tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển”.

Theo định hướng của tỉnh Hưng Yên, đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước. Đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. Cụ thể, đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo, đến năm 2025, định hướng sản xuất khuôn mẫu, rập, đúc, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng 500.000 - 600.000 sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150.000 tấn sản phẩm các loại.

Đến năm 2030, sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000 - 1.200 nghìn sản phẩm và thép chế tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại. Đối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử, định hướng đến năm 2025, sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng 12 - 15 triệu sản phẩm các loại…

Đẩy mạnh các mục tiêu trong đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ

Để tiếp tục tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những giải pháp trọng tâm. Cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, phấn đấu xây dựng 1 - 2 khu, cụm công nghiệp hỗ trợ tập trung để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trước mắt tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử; sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên ngành như xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng kết nối giao thông và hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng phát triển liên kết cụm ngành công nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp cơ khí, điện tử, dệt may và da giày. Đa dạng hóa trong hợp tác, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để cung cấp các linh kiện, sản phẩm phụ trợ.

Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để từng bước tham gia vào chuỗi liên kết theo chiều dọc, tạo ra mối liên kết ngành, qua đó tập hợp các doanh nghiệp có mối liên quan trong quá trình tạo ra giá trị gia tăng từ khâu nguyên liệu, sản xuất... đến phân phối, tiêu thụ, bán hàng tới tay người tiêu dùng. Chủ động tổ chức xúc tiến đầu tư, liên kết, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia.

Tích cực triển khai chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài vào một số ngành công nghiệp liên quan đến công nghiệp hỗ trợ như ô tô, điện tử, sản xuất máy móc công nghiệp và nông nghiệp, dệt, công nghệ cao ở một số thị trường mục tiêu Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, các nước ASEAN. Hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, đạt trình độ tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu. Ưu tiên các dự án có quy mô lớn của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu và để tiếp nhận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, điều hành tiên tiến.

Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng 

Bên cạnh những định hướng, chính sách lớn, tỉnh Hưng Yên cũng rất chú trọng việc phát triển hạ tầng phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo báo cáo các công trình trọng điểm năm 2023 trên địa bàn, tỉnh đã giải phóng mặt bằng được khoảng 460ha đất khu công nghiệp, 250ha đất cụm công nghiệp. Nổi bật trong đó là các dự án khu công nghiệp số 3, khu công nghiệp Yên Mỹ II, khu công nghiệp Yên Mỹ…

Tỉnh cũng đã khởi công 3 khu công nghiệp lớn trong năm vừa qua gồm khu công nghiệp số 3, số 5, khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng giai đoạn 3 và 4 cụm công nghiệp gồm: Minh Khai, Quảng Lãng - Đặng Lễ, Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân, Trần Cao - Quang Hưng. Các khu công nghiệp này đều ưu tiên các ngành nghề sản xuất công nghiệp hỗ trợ, điện tử…

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Phân phối DTJ Group - đơn vị xúc tiến thương mại, đầu tư và dịch vụ hệ sinh thái bất động sản công nghiệp cho biết, “Hưng Yên có nhiều tiềm năng để trở thành “kho hàng” cho ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực đồng bằng sông Hồng. Với lợi thế là tỉnh trung tâm của vùng, cửa ngõ phía đông nam của thủ đô Hà Nội, là vị trí trọng yếu thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới".

Chưa kể, từ Hưng Yên có thể dễ dàng kết nối đến các trung tâm công nghiệp khác như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương; hệ thống đường giao thông đồng bộ rất hữu ích cho vận chuyển hàng hóa, việc kết nối với các trung tâm vận chuyển lớn như sân bay Nội Bài, các cảng biển Hải Phòng cũng rất thuận lợi.

Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Hồng tập trung các dự án đầu tư lớn của Samsung, LG, Intel, Foxconn, Canon..., với vị trí trung tâm của mình, Hưng Yên rất dễ dàng kết nối tới các nhà máy và đây là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển công nghiệp phụ trợ,”, ông Nguyễn Quốc Khánh nhìn nhận.

Ông Khánh cho biết thêm, môi trường đầu tư tại tỉnh Hưng Yên cũng rất cởi mở, hiện tỉnh cũng có nhiều ưu đãi cho phát triển công nghiệp như thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế cho 4 năm đầu, và giảm 50% thuế 9 năm tiếp theo cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.

Khánh Ngọc
#