GDP quý I tăng cao nhất trong 4 năm qua

- Thứ Bảy, 30/03/2024, 07:12 - Chia sẻ

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023 - là mức cao nhất kể từ năm 2020 đến nay nhờ sản xuất công nghiệp khởi sắc, thương mại sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ...

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Vũ Quang
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Vũ Quang

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng

Tại cuộc họp báo ngày 29.3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tình hình kinh tế - xã hội quý I đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Điều này khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.

Đáng chú ý, theo bà Hương, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng, với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm.

Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao. Cụ thể, đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế quý I năm nay như sau: ngành vận tải kho bãi tăng 10,58% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,68 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,34%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 6,94%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,2%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 4,14%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm.

Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Lo âu về bức tranh doanh nghiệp

Bên cạnh kết quả tích cực của tăng trưởng GDP, bức tranh doanh nghiệp gợi nhiều suy nghĩ. Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý I, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I lên tới 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp. Tức là bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.

Diễn biến này tương đồng với một kết quả khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện và công bố tháng 1.2024. Trong tổng số 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát, vẫn có 82,4% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2023; 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024. Về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 72,8% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024.

Số liệu khảo sát và thống kê cho thấy doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau Covid-19 khi phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,23% so với tháng trước và tăng 3,97% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý I, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Chỉ số giá gạo quý I tăng 21,71% làm CPI chung tăng 0,55 điểm phần trăm. Trong quý I, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%). 

Vũ Quang
#