Thái Nguyên

Sản xuất công nghiệp nhiều tín hiệu khởi sắc

- Thứ Sáu, 15/03/2024, 11:01 - Chia sẻ

Với nhiều tín hiệu khởi sắc trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là số lượng đơn hàng có xu hướng tăng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chủ động bắt nhịp sản xuất ngay từ đầu năm 2024. 

Đơn hàng trong công nghiệp chế biến, chế tạo tăng

Theo đánh giá của Cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong quý IV.2023 tăng liên tục. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp diễn ra trong năm 2024. Minh chứng là số lượng đơn hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng.

Đơn cử, tại chi nhánh may TNG Đại Từ cho thấy, đơn vị hiện đã xác lập được đơn hàng đến hết tháng 7.2024. Trong đó, chỉ tiêu sản lượng đặt ra trong quý I.2024 là 3 triệu sản phẩm, tương ứng giá trị xuất khẩu ước đạt 170 tỷ đồng. Chính vì vậy, ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, hơn 2.000 công nhân của chi nhánh đã bắt tay ngay vào sản xuất với khí thế khẩn trương để kịp tiến độ theo thỏa thuận với đối tác.

Ông Lưu Đức Huy, Giám đốc Chi nhánh may TNG Đại Từ chia sẻ: "Đơn hàng tăng và giá bán theo hợp đồng ổn định giúp chúng tôi chủ động kế hoạch sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động. Đội ngũ công nhân vì thế có thể đăng ký tăng ca, làm thêm ngày nghỉ để tăng thu nhập. Đây là khởi đầu tốt, hứa hẹn một năm sản xuất - kinh doanh thành công".

Sản xuất công nghiệp nhiều khởi sắc -0
Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1. Ảnh: Phan Phương

Tương tự, Công ty TNHH TTJ có đơn hàng xuất khẩu máy nông nghiệp sang Canada đến hết năm 2024. Để đáp ứng tiến độ thời gian theo hợp đồng ký kết, đơn vị đã đầu tư thêm một số thiết bị, máy móc hiện đại, với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng và tổ chức cho công nhân làm việc 3 ca liên tục trong ngày. Ông Nguyễn Trung Thành Giám đốc Công ty TNHH TTJ cho biết, năm 2024, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu khoảng 50 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Với những kết quả tích cực như hiện tại, công ty tự tin sẽ thực hiện đạt, thậm chí là vượt kế hoạch...

Cùng hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc Công ty Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập cho biết, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động kế hoạch, gối tiếp công việc để có thể duy trì sản xuất liên tục. Về việc đầu tư nghiên cứu, công ty đang đẩy nhanh tiến độ công việc và phấn đấu đến tháng 6 năm nay sẽ cho ra mắt sản phẩm mới. Dự kiến, khi sản phẩm mới được hoàn thành việc kiểm nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà sẽ giúp Công ty tăng sản lượng khoảng 30% so với trước...

Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp

Ngành Công nghiệp - Xây dựng được xác định là động lực tăng trưởng chính, chiếm 58,3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Theo tính toán, để đạt mục tiêu tăng trưởng chung là 7,5% trong năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp phải tăng 8,5% (tương ứng đạt gần 1,06 triệu tỷ đồng, tăng 82,7 nghìn tỷ đồng so với năm 2023). Đây là mục tiêu khó, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, địa phương tham gia đồng hành với doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh.

Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên Trần Quốc Trung cho biết, hiện tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động; mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Từ cuối năm 2023 tới nay, tình hình sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, việc làm được duy trì ổn định. Đơn hàng gia tăng nên nhiều doanh nghiệp có thể bố trí, sắp xếp cho lao động làm thêm giờ để nâng cao thu nhập.

Với quan điểm luôn đồng hành với doanh nghiệp, từ tháng 5.2023, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Từ khi thành lập đến nay, tổ công tác đã tổ chức rà soát, tổng hợp 94 dự án có khó khăn, vướng mắc để đề xuất phương án tháo gỡ. Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi về vốn, mặt bằng và thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông trọng điểm nhằm thu hút nhà đầu tư thứ cấp; tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Cùng với đó là rà soát tình hình sản xuất của từng ngành, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực (như may mặc, cơ khí, điện tử, sản xuất kim loại, khai khoáng...) để có giải pháp thúc đẩy.

Các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh cũng chủ động bảo trì, nâng cấp hệ thống truyền tải lưới điện; thực hiện các phương án đảm bảo cung ứng điện ổn định cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn.

Phan Phương
#