Đầu tư nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ

- Thứ Hai, 23/10/2023, 06:57 - Chia sẻ

Đầu tư vào nguồn nhân lực là một yếu tố phát triển bền vững đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt khi doanh nghiệp đang dần chuyển từ thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ.

Gặp khó trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao

Ông Cao Văn Bình, Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với khoảng 54% dân số ở độ tuổi lao động. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ, là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.  Các doanh nghiệp này còn gặp khó khăn trong tuyển dụng nguồn nhân lực.

Đầu tư vào nguồn nhân lực là một yếu tố phát triển bền vững đối với ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: ITN
Đầu tư vào nguồn nhân lực là một yếu tố phát triển bền vững đối với ngành công nghiệp hỗ trợ. Nguồn: ITN

“Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ thường tham gia vào việc thay đổi và cải tiến quy trình sản xuất và công nghệ, doanh nghiệp cần có những nguồn nhân lực có khả năng học hỏi và thích nghi với những thay đổi nhanh chóng. Việc tìm kiếm và duy trì những nguồn nhân lực như vậy có thể là một thách thức”, ông Cao Văn Bình chỉ ra.

Ông Lê Quý Thành, Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang cũng cho biết, hiện vẫn còn tình trạng chênh lệch giữa khoa học công nghệ thực tế doanh nghiệp đang sử dụng với cập nhật chương trình đào tạo tại các nhà trường ngành công nghiệp hỗ trợ. Các nhân sự làm việc trong ngành này ngoài kiến thức chuyên môn thì cũng rất cần những am hiểu về hệ thống, về quy trình, tiêu chuẩn cao như ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001… hay cách thức vận hành máy móc, thiết bị hiện đại. Những nguồn nhân sự này hiện nay rất khó tìm được trong các trường đại học hiện nay.

Xóa độ “vênh” giữa đào tạo với sử dụng nhân lực

Các chuyên gia nhận định, để nâng cao hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhân tố con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đầu tư vào nguồn nhân lực là một yếu tố phát triển bền vững đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt khi doanh nghiệp đang dần chuyển từ thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ.

Hiện nay Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã giao Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, như chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tạo ra một hệ thống chuyên gia nhằm giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp Cao Văn Bình thông tin, hiện Trung tâm đang phối hợp cùng các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt - Hàn (VITASK), Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH), Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội... để tổ chức các chương trình đào tạo. Điển hình như chương trình đào tạo hơn 400 chuyên gia về lĩnh vực tư vấn cải tiến sản xuất, thực hiện tư vấn hiện trường tại doanh nghiệp; đào tạo 100 chuyên gia tư vấn chuyển đổi số phát triển nhà máy thông minh; đào tạo 200 kỹ sư khuôn mẫu chất lượng cao; đào tạo hơn 200 kỹ thuật viên theo Chương trình “Hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế, lập trình gia công khuôn mẫu ứng dụng công nghệ CAD/CAM/CAE-CNC và Đo kiểm cho kỹ thuật viên trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến và chế tạo”…

TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường đang có 12 chương trình đào tạo theo nhu cầu và tuyển dụng trước khi tốt nghiệp với các đối tác doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay là Đài Loan (Trung Quốc), cụ thể như Nissan, LG… Có trên 1.000 sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang tham gia những chương trình này và các em đã được hưởng lương từ doanh nghiệp ngay từ đầu năm thứ ba hoặc đầu năm thứ tư.

“Với sự vào cuộc tích cực, chủ động từ cả hai phía doanh nghiệp và nhà trường, chúng tôi cho rằng bài toán nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và việc xóa khoảng cách, xóa độ vênh giữa đào tạo với sử dụng chắc chắn sẽ được giải quyết triệt để”, TS. Kiều Xuân Thực chia sẻ.

Đồng quan điểm, Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang Lê Quý Thành cho hay, TOMECO đã và đang phối hợp với các trường đại học như Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc tìm kiếm những nguồn lao động chất lượng cao và đặt ra các đầu vào cần thiết của doanh nghiệp, giúp các trường có được những thông tin từ phía doanh nghiệp để kịp thời đổi mới chương trình đào tạo cũng như bổ sung những ngành đào tạo cần thiết.

Minh Đức