Công nghiệp phụ trợ ngành da giày: Yếu tố cốt lõi phát triển bền vững

- Thứ Hai, 22/07/2024, 18:14 - Chia sẻ

Một số chuyên gia đánh giá, hiện nguyên phụ liệu cho ngành da giày tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…

Điều này khiến việc đưa ngành da giày Việt trở thành một trong các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới như trong Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg trở nên khó khăn hơn.

Theo Chiến lược phát triển, mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.

Công nghiệp phụ trợ ngành da giày: Yếu tố cốt lõi phát triển bền vững  -0

Chủ tịch Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TBS Group Nguyễn Đức Thuấn cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về sản xuất giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm 5,4% thị phần và đứng thứ hai về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần. Cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. 

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại thì cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước. Bên cạnh việc nâng cấp bắt đầu từ công nghệ, quản lý, tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động còn cần phát triển trong thiết kế, nguyên phụ liệu trong nước,…

LEFASO chỉ ra rằng thời gian sắp tới, ngành da giày Việt Nam sẽ tham gia sản xuất nhiều dòng giày thuộc phân khúc cao cấp hơn, do đó đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, doanh nghiệp trong nước cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao hơn. 

Trưởng Bộ phận Da giày của Công ty Decathlon Việt Nam, Maxime Rogeon phân tích, mặc dù Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế như: Các nhà sản xuất lớn trên thế giới đều có cơ sở sản xuất tại Việt Nam; thị trường lớn nhờ các FTA; tự chủ được khoảng 50% nguyên liệu nhưng với nhiều đối thủ cạnh tranh như Indonesia, hiện đang có mức thuế nhập khẩu vào Mỹ tốt hơn Việt Nam, Việt Nam cần phải có những giải pháp về logistics xanh, giải pháp về nguồn cung ứng và vận chuyển nhanh hơn nữa.

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Đứng trước mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành da giày, Việt Nam cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành da giày hiện nay theo xu hướng thời trang thay đổi liên tục, do đó cần phát triển công nghiệp hỗ trợ da giày phù hợp với xu hướng.

Anh Việt
#