Cải cách thể chế, khơi thông động lực tăng trưởng

- Thứ Bảy, 13/04/2024, 09:38 - Chia sẻ

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 với chủ đề “Khơi thông động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 12.4, các chuyên gia đề xuất, cần quyết liệt hơn trong cải cách thể chế bởi đây chính là chìa khóa để phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế.

Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn

Theo các chuyên gia, thời gian qua, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt; nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục. Bên cạnh đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, ngày 5.1.2024, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 01, 02 không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng mà còn được xem là “chìa khóa” làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; khai mở, tận dụng những động lực mới của năm 2024.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Vũ Quang
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Vũ Quang

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhìn nhận, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, là những khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư. Chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Cũng theo ông Phòng, khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Do vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, khơi thông các động lực mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Động lực từ cải cách thể chế

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Việt Nam đã tương đối thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và bảo đảm an sinh xã hội; đó chính là những nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững.

TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, điểm tích cực là chúng ta đã có những nền tảng cho đổi mới tư duy cải cách thể chế. Những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Các quy hoạch được phê duyệt đã lồng ghép những tư duy mới, gắn với phát triển kinh tế đô thị, liên kết đô thị - nông thôn… Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không còn được nhìn nhận một cách rời rạc mà có sự gắn kết tương hỗ với nhau và được ưu tiên thực hiện khẩn trương ngay trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế; nhờ đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách. 

Trên nền tảng ấy, Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ. Thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng, bà Minh khuyến nghị.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh cho rằng, việc tham gia các FTA đã thực sự tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế. Mặc dù những cơ hội mà các FTA mang lại là rất lớn, tuy nhiên cần nhận diện được những rủi ro và thách thức; vì vậy, việc đánh giá tác động và tình hình thực hiện FTA tại thời điểm này là thực sự cần thiết đối với cả các doanh nghiệp và nền kinh tế; đồng thời hỗ trợ và giúp cho công tác thực thi trong thời gian tới được hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho nước ta.

Theo ông Trịnh Minh Anh, để tận dụng hiệu quả các FTA, điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có; đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)… Cùng với đó, sớm hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, qua đó giúp khơi thông động lực tăng trưởng.

Vũ Quang
#