“Thiệt đơn thiệt kép” khi không chịu thuế
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, nhớ lại: Thời điểm 2008, khi Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng, phân bón và máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp đang áp dụng thuế 5%. Tuy nhiên, cũng trong năm này xảy ra khủng hoảng châu Á - Thái Bình Dương, kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn giai đoạn 2012 - 2013, để khuyến khích, tháo gỡ cho nông nghiệp, các nhà khoa học, hiệp hội ngành hàng kiến nghị đưa phân bón về diện không chịu thuế. Đề xuất này được Quốc hội thông qua tại Luật số 71/2014/QH13.
Tuy vậy, sau 10 năm thực hiện Luật cho thấy nhiều bất cập. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết, do không chịu thuế giá trị gia tăng nên các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Điều này đẩy giá phân bón lên và chính người nông dân phải chịu, khiến chúng ta “thiệt đơn thiệt kép”. Đơn cử, với CTCP DAP - Vinachem, 10 năm qua, do toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành nên hàng năm chi phí sản xuất tăng thêm khoảng 7 - 8%, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỷ đồng và 10 năm qua con số này lên tới nghìn tỷ đồng, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng Giám đốc công ty, xác nhận.
Điều đáng nói, theo đại diện doanh nghiệp, mỗi năm, ngành nông nghiệp tiêu thụ 11 - 12 triệu tấn phân bón, trong đó sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu vì có những sản phẩm chúng ta chưa sản xuất được. Tuy nhiên, hiện có sự cạnh tranh không bình đẳng khi phân bón nhập khẩu về không chịu thuế giá trị gia tăng, có điều kiện để giảm giá bán, trong khi hàng sản xuất trong nước vì không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nên bị đội giá thành và không làm chủ được thị trường, phải tuân theo “luật chơi” của phân bón nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu hình thành mặt bằng giá chung trên thị trường, doanh nghiệp sản xuất trong nước buộc phải chấp nhận theo nên dù giá thành tăng lên nhưng giá bán không thể điều chỉnh tăng. Đây là khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp, cũng là nguyên nhân khiến sản xuất, kinh doanh sụt giảm, ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết.
Chúng ta sẽ hưởng lợi gì?
“Đã đến lúc không thể không sửa đổi Luật số 71”, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam phát biểu.
Nhìn ra thế giới, việc áp thuế giá trị gia tăng với phân bón hiện được nhiều nước áp dụng. Ông Nguyễn Trí Ngọc thông tin, Nga áp thuế giá trị gia tăng với phân bón 20%, Trung Quốc là 11% dự kiến giảm xuống 9%. Trong khu vực ASEAN, các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan... đều coi phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng, trong đó Thái Lan áp thuế 8%. Tư duy của họ là sản xuất nông nghiệp cần được ưu tiên phát triển bền vững để tạo nền tảng cho xã hội.
Với Việt Nam, nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế nên cần phải có chính sách hỗ trợ, “mà hỗ trợ hiệu quả nhất là chính sách thuế, đó là tác động đến hàng hóa đầu vào mà đang chiếm đến 40 - 60% giá thành sản xuất”, ông Ngọc nói, hàm ý cần áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón.
Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, Cơ quan soạn thảo đề xuất áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón. Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, nếu được thông qua sẽ có nhiều tác động tích cực đối với ngành sản xuất phân bón trong nước.
Thứ nhất, giảm được chi phí thuế đầu vào, dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện, sản xuất phân bón trong nước đã có tương đối đầy đủ mặt hàng phục vụ cho nông nghiệp, với cơ hội này sẽ giúp ngành sản xuất phân bón có sự cạnh tranh với phân bón nhập khẩu tốt hơn và gia tăng được thị phần, qua đó doanh nghiệp sẽ điều chỉnh được giá bán, tăng hậu mãi cho người nông dân.
Thứ hai, các doanh nghiệp sẽ có nguồn lực, động lực để gia tăng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Đây là tiền đề rất quan trọng đối với ngành sản xuất phân bón trong nước. Khi tăng được quy mô thì giá thành, giá bán sẽ giảm và sẽ bình ổn giá trên thị trường, giúp người nông dân yên tâm hơn.
Ông Nguyễn Văn Phụng bổ sung, chính sách áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón nếu được thông qua sẽ giúptăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước. Đối với nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật, được khấu trừ đầu vào, hạ mặt bằng giá bán.
Cũng theo ông Phụng, vấn đề quan trọng là cần giải thích cho nông dân hiểu việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân bón sẽ tăng lên 5%, vì giá đầu vào đã được khấu trừ. Về phía các nhà khoa học cũng cần phải đưa thông tin áp dụng thuế 5% có lợi hơn so với miễn thuế giá trị gia tăng. Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cần làm rõ nếu thuế giá trị gia tăng 5% thì thu như thế nào, đầu vào - đầu ra ra sao, cũng như làm rõ cơ hội giảm giá cho nông dân để chứng minh chính sách này sẽ mang lại hiệu quả cho kinh tế nông nghiệp.